Dưới đây làtoàn văn nội dung trả lời phỏng vấn của Chủ tịch nước Trần Đại Quang dành cho báo chí Nhật Bản:
Phóng viên: Thưa
Ngài Chủ tịch nước, được biết đây là chuyến thăm cấp Nhà nước lần đầu
tiên của Ngài đến Nhật Bản trên cương vị Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội
chủ nghĩa Việt Nam. Xin Ngài cho biết ý nghĩa của chuyến thăm này?
Chủ tịch nước Trần Đại Quang:
Tôi rất vui mừng cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm cấp Nhà nước
tới Nhật Bản đúng vào dịp hai nước chúng ta tổ chức các hoạt động thiết
thực kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, góp phần đưa quan hệ
“Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á” giữa
Việt Nam và Nhật Bản bước vào giai đoạn phát triển mới, hợp tác sâu
rộng, thực chất hơn trên các lĩnh vực, thúc đẩy sự phát triển phồn vinh
của mỗi nước, đóng góp vào hòa bình, hợp tác và phát triển của khu vực
và thế giới.
Trong chuyến thăm, tôi
sẽ hội kiến Nhà vua và Hoàng hậu, hội đàm với Ngài Thủ tướng Shinzo Abe
(Sin-dô A-bê) và gặp gỡ, trao đổi với lãnh đạo Quốc hội, đại diện các
giới chính trị, kinh tế, khoa học, văn hóa… về phương hướng và các biện
pháp lớn thúc đẩy quan hệ giữa hai nước, trong đó chú trọng tăng cường
tin cậy chính trị, đẩy mạnh hợp tác về thương mại, đầu tư, hợp tác phát
triển, quốc phòng, an ninh, đẩy mạnh giao lưu văn hóa, giao lưu nhân
dân. Chúng tôi cũng sẽ trao đổi về sự phối hợp tại các diễn đàn quốc tế,
khu vực và những vấn đề mà hai bên cùng quan tâm, nhất là trong bối
cảnh Việt Nam sẽ giữ vai trò là nước điều phối quan hệ ASEAN - Nhật Bản
giai đoạn 2018 - 2021.
Phóng viên: Năm
nay, Việt Nam và Nhật Bản kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.
Xin Ngài Chủ tịch nước cho biết ý kiến về quan hệ Việt Nam - Nhật Bản
hiện nay và triển vọng quan hệ giữa hai nước trong thời gian tới?
Chủ tịch nước Trần Đại Quang: Việt
Nam và Nhật Bản có mối liên hệ gắn kết lâu đời về lịch sử, văn hóa,
thương mại. Từ thế kỷ 15, thương cảng Hội An của Việt Nam đã đón những
tàu buôn đầu tiên của Nhật Bản và phố Nhật ở Hội An đã đóng vai trò
trung tâm giao thương lớn của Nhật Bản với các nước ở khu vực Đông Nam
Á. Ngay sau khi Hiệp định Pa-ri được ký kết, Việt Nam và Nhật Bản đã
thiết lập quan hệ ngoại giao vào tháng 9/1973. Trong suốt 45 năm qua,
quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam - Nhật Bản đã phát triển mạnh mẽ,
hiệu quả và thực chất trên các lĩnh vực, nhất là từ khi nâng cấp lên
thành quan hệ “Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở
châu Á” vào tháng 3/2014.
Về chính
trị, hai bên đã đạt được sự tin cậy lẫn nhau, thường xuyên duy trì tiếp
xúc giữa lãnh đạo các cấp, đặc biệt là cấp cao. Chỉ trong năm 2017, có 5
chuyến thăm cấp cao được thực hiện, trong đó có chuyến thăm lịch sử của
Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản lần đầu tiên tới Việt Nam; Thủ tướng Nhật
Bản Sin-dô A-bê hai lần đến Việt Nam; Chủ tịch Hạ viện Nhật Bản thăm
Việt Nam sau 15 năm; Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm chính thức Nhật
Bản.
Về kinh tế, Nhật Bản là đối
tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam; nước cung cấp viện trợ phát triển
chính thức (ODA) lớn nhất, đối tác thương mại song phương lớn thứ tư của
Việt Nam. Năm 2017, Nhật Bản đã trở thành nhà đầu tư nước ngoài số một
tại Việt Nam với số vốn đầu tư kỷ lục hơn 9,1 tỷ USD, gấp bốn lần so với
năm 2016. Hiện có hơn 2.500 doanh nghiệp, trong đó hầu hết các tập đoàn
lớn của Nhật Bản đang đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. ODA của Nhật Bản
được sử dụng có hiệu quả trong các lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng,
phát triển công nghệ cao, nông nghiệp sạch, ứng phó với biến đổi khí
hậu, xóa đói, giảm nghèo…, đóng góp quan trọng vào công cuộc phát triển
kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Hợp
tác trên các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, văn hóa, giáo dục, đào tạo,
du lịch, giao lưu nhân dân không ngừng được củng cố và mở rộng. Hợp tác
giữa các địa phương hai nước ngày càng sôi động với 37 cặp địa phương
hai nước đã ký kết thỏa thuận hợp tác. Năm 2017, Nhật Bản đứng thứ ba về
số lượng khách du lịch đến Việt Nam và xứ sở hoa Anh Đào cũng là điểm
du lịch hấp dẫn của du khách Việt Nam, Lễ hội văn hóa Việt Nam tại Nhật
Bản và Lễ hội hoa Anh đào Nhật Bản tại Việt Nam đã trở thành sự kiện
được mong chờ hằng năm đối với nhân dân hai nước. Cộng đồng người Việt
Nam sinh sống, học tập, làm việc tại Nhật Bản và cộng đồng người Nhật
Bản đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam đã và đang đóng góp vào sự
phát triển kinh tế - xã hội hai nước và là cầu nối hữu nghị giữa hai dân
tộc.
Hai bên cũng hợp tác chặt
chẽ và hiệu quả tại các diễn đàn quốc tế và khu vực, như Liên hợp quốc,
các hội nghị ASEAN+, APEC, ASEM... Đặc biệt, hai nước đã hợp tác tích
cực vào thành công của Năm APEC Việt Nam 2017, Hội nghị Cấp cao APEC lần
thứ 25 tại Đà Nẵng và thúc đẩy đàm phán, ký kết Hiệp định Đối tác toàn
diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Trong
thời gian tới, với sự nỗ lực, đồng lòng và chính sách đúng đắn của cả
hai bên, tôi tin tưởng hai nước chúng ta sẽ tiếp tục đà phát triển tốt
đẹp của quan hệ Việt Nam - Nhật Bản, khai thác tiềm năng, thúc đẩy hợp
tác, đưa quan hệ “Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng
ở châu Á” giữa hai nước bước vào giai đoạn phát triển mới trên các lĩnh
vực, nhất là hợp tác kinh tế, thương mại, quốc phòng, an ninh, y tế,
công nghệ cao, hợp tác địa phương và giao lưu nhân dân vì lợi ích của
nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực
và trên thế giới.
Phóng viên:
Trong bối cảnh quan hệ kinh tế Việt Nam - Nhật Bản ngày càng chặt chẽ
hơn, xin Chủ tịch nước cho biết các lĩnh vực hợp tác ưu tiên và các biện
pháp thúc đẩy hơn nữa hợp tác kinh tế giữa hai nước?
Chủ tịch nước Trần Đại Quang:
Quan hệ hợp tác, gắn kết kinh tế giữa hai nước đang phát triển mạnh mẽ,
ngày càng chặt chẽ, đem lại lợi ích thiết thực cho nhân dân mỗi nước.
Để
khai thác có hiệu quả hơn nữa tiềm năng, thế mạnh của nhau, chúng tôi
mong muốn hai bên quan tâm ưu tiên thúc đẩy liên kết kinh tế thông qua
tăng cường hợp tác trong lĩnh vực thương mại, đầu tư, triển khai hiệu
quả Hiệp định Đối tác kinh tế Việt - Nhật (VJEPA), cùng nỗ lực để đạt
mục tiêu tăng gấp đôi kim ngạch thương mại và đầu tư vào năm 2020 so với
năm 2014, tạo điều kiện thuận lợi để các mặt hàng nông, thủy sản vào
thị trường của nhau nhiều hơn; triển khai hiệu quả Sáng kiến chung Việt -
Nhật để cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy hơn nữa làn sóng đầu tư
của Nhật Bản vào Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao, xây
dựng kết cấu hạ tầng, năng lượng... nhằm duy trì vị trí nhà đầu tư nước
ngoài số một của Nhật Bản tại Việt Nam.
Triển
khai hợp tác theo Kế hoạch hành động của 6 ngành công nghiệp đã được
lựa chọn trong Chiến lược Công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ
hợp tác Việt Nam - Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030, gồm ô tô
và phụ tùng ô tô, máy nông nghiệp, công nghiệp chế biến nông thủy sản,
đóng tàu, điện tử, công nghiệp môi trường và tiết kiệm năng lượng. Chúng
tôi cũng mong muốn Nhật Bản tích cực hợp tác phát triển ngành công
nghiệp hỗ trợ của Việt Nam.
Duy trì
ODA của Nhật Bản cho Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực xây dựng kết cấu
hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, ứng phó với biến đổi
khí hậu, bảo vệ môi trường, nâng cao năng lực quản lý kinh tế, hỗ trợ
Việt Nam triển khai hiệu quả các dự án quy mô lớn, tái cơ cấu nền kinh
tế và tăng trưởng bền vững. Chúng tôi mong muốn Nhật Bản coi Việt Nam là
đối tác ưu tiên của Chương trình “Đối tác cơ sở hạ tầng chất lượng”
(200 tỷ USD) và “Sáng kiến kết nối Mê Công - Nhật Bản” (6,8 tỷ USD).
Tăng
cường hơn nữa hợp tác trong những lĩnh vực hai nước có nhu cầu và tiềm
năng lớn, như nông nghiệp công nghệ cao, y tế, văn hóa, giáo dục, tích
cực hỗ trợ và đẩy mạnh hợp tác giữa các địa phương hai nước, qua đó thúc
đẩy đầu tư, chuyển giao công nghệ cho Việt Nam.
Phóng viên: Xin
Ngài Chủ tịch nước cho biết ý kiến về sự hợp tác giữa Việt Nam và Nhật
Bản tại các diễn đàn quốc tế và khu vực, nhất là trong việc duy trì hòa
bình, ổn định ở khu vực?
Chủ tịch nước Trần Đại Quang:
Cùng với sự phát triển tốt đẹp trong quan hệ song phương, hợp tác Việt
Nam - Nhật Bản tại các diễn đàn quốc tế và khu vực, nhất là trong các cơ
chế hợp tác quan trọng như Liên hợp quốc, APEC, ASEM, ASEAN+… ngày càng
chặt chẽ và hiệu quả, đóng góp tích cực vào việc duy trì hòa bình, ổn
định, hợp tác và phát triển của khu vực và thế giới. Hai nước tích cực
thúc đẩy tự do hóa thương mại, phối hợp chặt chẽ, thúc đẩy đàm phán, ký
kết Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương
(CPTPP); phối hợp đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực
(RCEP).
Việt Nam ủng hộ Nhật Bản
phát huy vai trò tích cực, đóng góp vào hòa bình, ổn định và phát triển
tại khu vực; Nhật Bản coi trọng vai trò và đóng góp tích cực của Việt
Nam. Hai bên thường xuyên trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng
quan tâm, ủng hộ nhau ứng cử vào các cơ quan của Liên hợp quốc và các
tổ chức quốc tế khác; chia sẻ quan điểm và phối hợp góp phần giải quyết
các vấn đề liên quan tới hợp tác, phát triển và an ninh khu vực, trong
đó có vấn đề Biển Đông, phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, sáng kiến
Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương...; nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo
đảm hoà bình, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không trên Biển
Đông; giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hoà bình, trên cơ sở luật
pháp quốc tế, trong đó có Công ước về Luật Biển của Liên hợp quốc
(UNCLOS) năm 1982, thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của
các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002 và sớm xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở
Biển Đông (COC) có hiệu lực.
Thời
gian tới, với vai trò là nước điều phối quan hệ ASEAN - Nhật Bản giai
đoạn từ tháng 8/2018 đến tháng 8/2021, Việt Nam mong muốn hai nước tiếp
tục tăng cường hợp tác trên các diễn đàn quốc tế và khu vực, đặc biệt
trong khuôn khổ hợp tác ASEAN - Nhật Bản, đóng góp tích cực hơn nữa cho
hòa bình, an ninh, ổn định và thịnh vượng của khu vực và trên thế giới.
Phóng viên: Việt
Nam và Nhật Bản đều là thành viên của Hiệp định Đối tác toàn diện và
tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Xin Ngài cho biết sự hợp tác giữa
Việt Nam và Nhật Bản trong Hiệp định này. Gần đây, một số nước bày tỏ
quan tâm tham gia Hiệp định, xin Ngài Chủ tịch nước cho biết ý kiến về
vấn đề này?
Chủ tịch nước Trần Đại Quang:
Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã
được 11 nước chính thức ký kết ở cấp Bộ trưởng tại Santiago
(San-ti-a-gô), Chile ngày 8/3/2018. CPTPP thể hiện thông điệp chung của
các nước thành viên ủng hộ liên kết kinh tế khu vực, khẳng định thương
mại tự do và hội nhập kinh tế tiếp tục là xu thế chủ đạo ở châu Á - Thái
Bình Dương. Tham gia CPTPP cho thấy cam kết mạnh mẽ, nhất quán của Việt
Nam tiếp tục đổi mới, hội nhập quốc tế sâu rộng, tích cực tham gia định
hình các khuôn khổ hợp tác, liên kết kinh tế và đóng góp vào hòa bình,
hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới. Với tính chất một hiệp
định thương mại tự do thế hệ mới, toàn diện và tiêu chuẩn cao, CPTPP sẽ
tạo thêm động lực mới để Việt Nam đẩy mạnh tái cấu trúc nền kinh tế, mở
rộng xuất khẩu, thu hút đầu tư và công nghệ cao.
Việt
Nam và Nhật Bản đã phối hợp chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau trong quá trình
đàm phán, từ đó đóng góp quan trọng vào việc hình thành CPTPP. Khi đi
vào triển khai, CPTPP sẽ góp phần thúc đẩy quan hệ kinh tế - thương mại,
qua đó, làm sâu sắc nội hàm quan hệ “Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa
bình và thịnh vượng ở châu Á” giữa hai nước. Để sớm hiện thực hóa những
lợi ích mà CPTPP có thể đem lại, hai bên cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ
trong quá trình phê chuẩn và triển khai, đồng thời Nhật Bản quan tâm
dành hỗ trợ kỹ thuật để Việt Nam thực hiện đầy đủ và có hiệu quả Hiệp
định.
Việt Nam cùng các nước
thành viên hoan nghênh sự quan tâm tham gia CPTPP của các nước khác, thể
hiện sự coi trọng tiềm năng và vai trò của Hiệp định đóng góp vào hợp
tác và tăng trưởng kinh tế cùng có lợi. Theo Hiệp định, việc mở rộng sẽ
được tính đến sau khi CPTPP đi vào triển khai.
Phóng viên: Hiện
nay, giao lưu nhân dân giữa hai nước, nhất là thực tập sinh và sinh
viên Việt Nam đến Nhật Bản ngày càng gia tăng. Xin Ngài Chủ tịch nước
cho biết các biện pháp thúc đẩy hơn nữa sự hợp tác trên lĩnh vực này?
Chủ tịch nước Trần Đại Quang:
Những năm gần đây, giao lưu nhân dân giữa Việt Nam và Nhật Bản phát
triển nhanh, là một trong những điểm sáng trong quan hệ hai nước. Hiện
cộng đồng Việt Nam tại Nhật Bản có gần 250.000 người, gấp ba lần so với 5
năm trước, trong đó số lượng thực tập sinh và sinh viên Việt Nam tăng
lên nhanh chóng với gần 200.000 người. Cộng đồng người Nhật Bản cũng
ngày một lớn mạnh với khoảng 16.000 người đang sinh sống, làm việc và
kinh doanh thành công tại Việt Nam. Hợp tác du lịch ngày càng được tăng
cường khi Nhật Bản là thị trường khách du lịch nước ngoài lớn thứ ba của
Việt Nam với gần 800.000 lượt khách thăm Việt Nam trong năm 2017; lượng
du khách Việt Nam thăm Nhật Bản cũng đạt hơn 300.000 lượt người. Giao
lưu giữa nhân dân hai nước ngày càng sôi động đã góp phần làm sâu sắc
hơn sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, tình cảm chân thành giữa người dân
hai nước, tạo cơ sở bền vững cho quan hệ hợp tác hữu nghị Việt Nam -
Nhật Bản trong thời gian tới.
Để
tiếp tục thúc đẩy hơn nữa giao lưu nhân dân Việt - Nhật, cần tăng cường
hợp tác chặt chẽ, phối hợp quản lý, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục về
văn hóa, pháp luật nước sở tại, nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của
công dân mỗi nước.
Tôi tin tưởng,
với sự nỗ lực của hai bên, cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản và cộng
đồng người Nhật Bản tại Việt Nam sẽ tiếp tục là cầu nối hữu nghị cho
quan hệ Việt Nam - Nhật Bản ngày càng phát triển vì lợi ích của nhân dân
hai nước, vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực và trên thế
giới./.