Ngày 3/12, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2018.
Tại
phiên họp, Chính phủ đã nghe và thảo luận các nội dung: tình hình thực
hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP và tình hình kinh tế-xã hội tháng 11 và 11
tháng năm 2018; dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải
pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế-xã hội và dự toán
ngân sách nhà nước năm 2019; tình hình ban hành các văn bản quy định chi
tiết, các văn bản cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục kiểm tra chuyên ngành
và điều kiện kinh doanh; kết quả kiểm tra của Tổ Công tác của Thủ tướng
tháng 11/2018; báo cáo thẩm tra đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Thi đua,
khen thưởng; dự thảo Nghị định về Kiểm lâm và Lực lượng chuyên trách bảo
vệ rừng; dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định
số 36/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ về quản lý trang thiết bị y
tế; phương án xử lý chồng chéo trong kiểm tra chuyên ngành đối với xe
nâng nhập khẩu; về ứng trước kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn
2016-2020 cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam;…
Thảo
luận tại phiên họp, các thành viên Chính phủ thống nhất nhận định, kinh
tế - xã hội tháng 11 và 11 tháng năm 2018 tiếp tục có nhiều chuyển biến
tích cực. Kinh tế vĩ mô duy trì ổn định; chỉ số giá tiêu dùng (CPI)
tháng 11 giảm so với tháng trước, trong phạm vi mục tiêu của Quốc hội đề
ra; các cân đối lớn về tài chính, tiền tệ, tín dụng cơ bản được bảo
đảm; lãi suất cho vay tương đối ổn định. Tình hình sản xuất kinh doanh
các khu vực chủ yếu của nền kinh tế diễn biến tích cực và tương đối toàn
diện, trong đó khu vực công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục tăng
trưởng mạnh mẽ, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) 11 tháng
tăng 10,1% so với cùng kỳ năm trước.
Khu
vực dịch vụ phát triển ổn định, hoạt động du lịch tiếp tục tăng cao nhờ
đẩy mạnh các hoạt động hợp tác, xúc tiến và quảng bá du lịch; tính
chung 11 tháng, tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt trên 14,1
triệu lượt người, tăng 21,3% so với cùng kỳ năm 2017; tổng mức bán lẻ
hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tiếp tục xu hướng tăng khá so
với cùng kỳ năm trước với mức tăng 11,5%. Cán cân thương mại hàng hóa
tính chung 11 tháng năm 2018 xuất siêu 6,8 tỷ USD.
Các
chính sách an sinh xã hội được bảo đảm và thực hiện tốt; cơ bản khống
chế được các dịch bệnh truyền nhiễm, công tác phòng chống bệnh không lây
nhiễm được đẩy mạnh; kịp thời ứng phó, hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên
tai, bão, lũ góp phần giảm bớt thiệt hại của nhân dân. Hội nhập kinh tế
quốc tế đạt được nhiều kết quả quan trọng; Hiệp định CPTPP đã được chính
thức thông qua, đánh dấu Việt Nam là nước thứ 7/11 nước thông qua Hiệp
định này.
Bên cạnh những kết quả
tích cực, các thành viên Chính phủ cũng cho rằng nền kinh tế còn phải
đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh
tế; đặc biệt là những diễn biến khó lường của cuộc chiến thương mại
Mỹ-Trung tác động trực tiếp tới tăng trưởng xuất nhập khẩu và việc tiếp
nhận dòng vốn FDI của Việt Nam trong thời gian tới. Bên cạnh đó là áp
lực lạm phát có thể gia tăng vào tháng cuối năm; hoạt động sản xuất,
kinh doanh của doanh nghiệp còn những khó khăn nhất định; tình hình cháy
nổ, thiên tai, bão lũ tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến
sản xuất và đời sống nhân dân,…
Tại
phiên họp, các thành viên Chính phủ đã đóng góp nhiều ý kiến cụ thể vào
dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu
chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà
nước năm 2019, đặc biệt là về bố cục của Nghị quyết; phương châm hành
động, trọng tâm chỉ đạo điều hành của Chính phủ năm 2019; các nhóm nhiệm
vụ, giải pháp chủ yếu của năm 2019; về tổ chức thực hiện Nghị quyết;...
Phát
biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, tình
hình kinh tế-xã hội tháng 11 và 11 tháng năm 2018 tiếp tục có những
chuyển biến tích cực và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực; những kết
quả này tạo tiền đề thuận lợi, vững chắc cho năm 2019. Tuy nhiên, chúng
ta không được chủ quan, tự mãn với những kết quả đạt được bởi nền kinh
tế vẫn đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức cần tập
trung chỉ đạo xử lý, khắc phục, ứng phó.
Thủ
tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các cấp, các ngành trong tháng cuối cùng
của năm 2018 và thời gian tới cần tiếp tục thực hiện đồng bộ các nhiệm
vụ, giải pháp bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm chế lạm phát gắn với
tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, củng cố
niềm tin xã hội, niềm tin thị trường, niềm tin doanh nghiệp; tập trung
mạnh vào khâu thực thi, đề cao trách nhiệm người đứng đầu; theo dõi sát
sao những biến động của tình hình quốc tế, khu vực và trong nước để ứng
phó, chỉ đạo quyết liệt, kịp thời.
“Điều
quan trọng là chúng ta phải có ý thức dân tộc, quy tụ lòng người, đoàn
kết tiến bước xây dựng đất nước trong thời kỳ còn nhiều khó khăn thách
thức. Kiên trì bảo vệ lợi ích chiến lược của đất nước. Chúng ta phải có
khát vọng vươn lên ở các cấp, các ngành. Chúng ta phải đổi mới tư duy,
xóa bỏ những quan điểm cũ, lạc hậu, ỉ lại, trông chờ. Chúng ta hoan
nghênh và khuyến khích mọi ý tưởng đổi mới, sáng tạo, áp dụng công nghệ
làm giàu cho mình và đất nước...”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu
Công
tác quản lý giá, bình ổn giá cần tiếp tục được tăng cường nhằm kiểm
soát lạm phát, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng kinh tế đề ra. Làm tốt công
tác chuẩn bị nguồn hàng, bảo đảm cung cầu hàng hóa, nhất là vào dịp cuối
năm, Tết Nguyên đán 2019.
Theo dõi
chặt chẽ diễn biến tỷ giá, có chính sách điều hành tỷ giá chủ động, linh
hoạt. Tiếp tục triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng theo hướng
mở rộng quy mô tín dụng đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng; bảo
đảm cung ứng vốn cho nền kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận
vốn ngân hàng. Đẩy mạnh giải ngân vốn đối với các chương trình tín dụng
cho các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, đồng thời kiểm
soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro như
kinh doanh bất động sản, chứng khoán, tiêu dùng... Tiếp tục triển khai
mạnh mẽ hơn nữa chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông
thôn.
Thực hiện hiệu quả các giải
pháp chống thất thu, chuyển giá và nợ đọng thuế. Triệt để tiết kiệm chi
thường xuyên, thực hiện nghiêm kỷ luật tài chính - ngân sách nhà nước;
tăng cường kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật
về quản lý giá, thuế, phí, lệ phí, nhất là với những hàng hóa và dịch
vụ tiêu dùng thiết yếu trong dịp cuối năm, lễ tết; có sự phối hợp đồng
bộ hơn giữa các cơ quan chức năng trong ngăn chặn và xử lý nghiêm theo
pháp luật các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán hàng
giả, hàng nhái,...
Tập trung đẩy
mạnh giải ngân vốn đầu tư công, góp phần thúc đẩy tăng trưởng. Tăng
cường công tác thanh tra, kiểm tra nhằm bảo đảm việc sử dụng nguồn vốn
đầu tư công đúng mục đích, hiệu quả, tiết kiệm, chống lãng phí, tham
nhũng, lợi ích nhóm. Chủ động nắm bắt thông tin, vấn đề phát sinh ảnh
hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam để có phản ứng, đối sách kịp thời; tiếp
tục đổi mới, nâng cao chất lượng các hoạt động xúc tiến thương mại
trong và ngoài nước.
Tiếp tục thúc
đẩy kích cầu trong nước, bảo đảm nguồn cung dồi dào những mặt hàng thiết
yếu, tăng cường công tác quản lý giá cả trong dịp cuối năm, Tết Nguyên
đán, tạo điều kiện để các doanh nghiệp nâng cao chất lượng và sức cạnh
tranh của hàng hóa Việt Nam, khuyến khích người dân tiêu dùng các sản
phẩm nội địa... Thực hiện tốt chương trình đưa hàng Việt về nông thôn,
vùng sâu, vùng xa, các khu công nghiệp, khu chế xuất nhằm đáp ứng nhu
cầu tiêu dùng tăng của người dân.
Đẩy
mạnh thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Tăng cường kiểm soát chất
lượng giống, vật tư nông nghiệp, nông sản xuất khẩu; thanh tra, kiểm
tra, bảo đảm an toàn thực phẩm.
Thực
hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành công nghiệp; nghiên cứu đề xuất khả
năng xây dựng gói tín dụng ưu đãi cho ngành công nghiệp chế biến chế
tạo. Tăng cường việc giám sát, đôn đốc, kiểm tra tình hình thực hiện kế
hoạch sản xuất kinh doanh, kế hoạch đầu tư phát triển, mục tiêu nhiệm vụ
được giao của các Tập đoàn, Tổng công ty. Tập trung ưu tiên nguồn lực
để hoàn thành những công trình công nghiệp trọng điểm và then chốt nhằm
gia tăng năng lực sản xuất trong năm 2019; phải bảo đảm đủ điện, không
để thiếu điện phục vụ sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của người dân.
Nâng
cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về phát triển đô thị;
theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường bất động sản; chủ động, kịp thời
đề xuất các phương án, giải pháp nhằm kiểm soát và thúc đẩy thị trường
bất động sản phát triển ổn định, bền vững.
Tăng
cường công tác quản lý chất lượng các công trình giao thông; quan tâm
đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân các công trình giao thông trọng
điểm. Triển khai tốt kế hoạch phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân, vận
chuyển hàng hóa trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Kỷ Hợi năm 2019
và mùa Lễ hội Xuân năm 2019; chú ý kiểm soát chặt chẽ an toàn các
phương tiện giao thông lưu hành, đặc biệt lưu ý vấn đề về đăng kiểm,
kiểm soát phương tiện cũ, quá hạn lưu hành, xe tự chế. Tăng cường công
tác bảo đảm an ninh, an toàn hàng không; các giải pháp bảo đảm an toàn
hàng hải và an toàn giao thông đường thủy nội địa trong mùa mưa, lũ; bảo
đảm an toàn giao thông tại các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường
sắt.
Tiếp tục tăng cường xúc tiến
quảng bá du lịch. Quản lý và kiểm soát tốt chất lượng kinh doanh dịch
vụ, phương tiện phục vụ khách du lịch nhất là trong mùa cao điểm cuối
năm và đầu Xuân mới 2019.
Thực hiện
hiệu quả chương trình Mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững. Trợ giúp
kịp thời, đúng chính sách cho người nghèo và đối tượng yếu thế, bảo đảm
an sinh xã hội; nắm chắc tình hình đời sống người lao động và nhân dân,
đề xuất giải pháp thiết thực hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu,
vùng xa, vùng bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Tiếp tục thực hiện tốt chính
sách đối với người có công, người nghèo, nhất là trong dịp Tết Nguyên
đán 2019 sắp tới.
Đẩy mạnh và nâng
cao hiệu quả công tác dạy nghề, tạo việc làm. Tăng cường kiểm tra an
toàn lao động, phòng chống cháy nổ; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm
những hành vi bạo lực gia đình, bạo hành trẻ em cả ở trong môi trường
gia đình, nhà trường và xã hội.
Chỉ
đạo quyết liệt hơn nữa công tác bảo đảm an toàn thực phẩm. Đẩy mạnh thực
hiện bảo hiểm y tế toàn dân. Tiếp tục chú trọng nâng cao chất lượng
khám chữa bệnh, năng lực phòng ngừa dịch bệnh, nhất là những dịch bệnh
có khả năng lây lan cao. Tăng cường chỉ đạo thực hiện tốt công tác y tế
cơ sở, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân.
Rà
soát, chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước về giáo dục; tăng cường giám
sát, kiên quyết không để xảy ra tình trạng bạo hành trong học đường.
Sớm công bố về kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia 2019; tập trung
nghiên cứu xây dựng chương trình giáo dục phổ thông, sách giáo khoa phổ
thông, bảo đảm chất lượng, yêu cầu.
Tiếp
tục chủ động theo dõi diễn biến thời tiết và phòng chống thiên tai.
Tích cực triển khai các chương trình, dự án ứng phó với biến đổi khí
hậu. Kiểm soát chặt chẽ việc khai thác cát, sỏi tại các lòng sông, bờ
biển.
Không ngừng củng cố tiềm lực
quốc phòng, an ninh; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội;
không để bị động, bất ngờ trước mọi tình huống. Tăng cường đấu tranh
trấn áp tội phạm, nhất là tội phạm ma túy, tội phạm sử công nghệ cao.
Quan
tâm nâng cao chất lượng xây dựng thể chế; phát hiện và kịp thời tháo gỡ
những bất cập từ thể chế. Tổ chức nghiêm minh việc thực thi pháp luật
trong phạm vi quốc gia.
Các bộ,
ngành, địa phương chủ động, cung cấp thông tin chính xác, kịp thời cho
báo chí, xã hội về tình hình các mặt kinh tế-xã hội, góp phần định hướng
dư luận, tạo đồng thuận xã hội; tăng cường kỷ luật phát ngôn; xử lý
nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, lợi dụng quyền tự do ngôn luận, tự
do báo chí xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của
tổ chức, công dân; triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp bảo đảm
an toàn, an ninh thông tin mạng; đấu tranh, phản bác thông tin sai sự
thật, trái với quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước. Tích cực truyền
thông tạo cảm hứng cho phát triển, đổi mới, sáng tạo và thực hiện khát
vọng của dân tộc.
Các Tổ Công tác
của Thủ tướng Chính phủ tiếp tục đôn đốc, kiểm tra thực hiện nhiệm vụ mà
Thủ tướng Chính phủ giao cho các bộ, ngành, địa phương và báo cáo công
khai tại phiên họp Chính phủ thường kỳ.
Về
dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu
chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà
nước năm 2019, nhấn mạnh Nghị quyết phải toát lên được tinh thần đổi mới
lan tỏa, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành chức năng tiếp tục lấy ý kiến
đóng góp các bộ, ngành, địa phương trên tinh thần tinh thần bám sát,
thực hiện nghiêm Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội; bám sát thực tiễn,
đề ra các nhiệm vụ, giải pháp hiệu quả phát triển kinh tế-xã hội, nhất
là duy trì tốc độ tăng trưởng, ổn định vững chắc kinh tế vĩ mô và nâng
cao mọi mặt đời sống người dân, giải quyết tốt các bức xúc, điểm nghẽn
trong phát triển;...
Thủ tướng cũng
lưu ý các bộ, ngành, địa phương chuẩn bị kỹ cho công tác tổng kết năm
2018 trên tinh thần tiết kiệm, tránh phô trương, hình thức, tổng kết
phải đánh giá đúng thực trạng tình hình, đề ra những nhiệm vụ, giải pháp
hiệu quả, khả thi. Các tỉnh, thành phố là những trung tâm kinh tế lớn
của đất nước, nhất là thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội cần tiếp tục phấn
đấu nỗ lực thực hiện vượt mức Kế hoạch năm 2018, chuẩn bị tốt cho Kế
hoạch 2019 trên tinh thần tiến công và đi đầu./.