Đây
là một trong những nội dung tại dự thảo Tờ trình về đề nghị xây dựng dự
án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật
sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Viên chức đang được Bộ Nội vụ lấy
ý kiến.
Bộ Nội vụ cho biết,
Luật Viên chức được Quốc hội khóa XII thông qua ngày 15/11/2010, có hiệu
lực kể từ ngày 01/01/2012. Qua 8 năm thực hiện, bên cạnh những kết quả
đạt được, việc triển khai các quy định của Luật Viên chức còn một số
vướng mắc.
Cụ thể, về vấn đề hợp
đồng đối với viên chức, khoản 2 Điều 24 Luật Viên chức quy định: Căn cứ
vào kết quả tuyển dụng, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập ký kết
hợp đồng làm việc với người trúng tuyển vào viên chức. Hiện nay, các nội
dung liên quan đến hợp đồng làm việc của viên chức được quy định tại
Mục 2 Chương III Luật Viên chức, theo đó, đối với viên chức được tuyển
dụng sẽ ký hợp đồng xác định thời hạn (từ 12 đến 36 tháng); sau khi kết
thúc hợp đồng xác định thời hạn thì viên chức được ký hợp đồng không xác
định thời hạn. Cách thức quy định như vậy là tương tự với quy định về
hợp đồng lao động trong Bộ luật Lao động.
Tuy
nhiên, Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6
khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất
lượng và hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập đã xác định:
Thực hiện chế độ hợp đồng viên chức có thời hạn đối với những trường hợp
tuyển dụng mới (trừ các đơn vị sự nghiệp công lập ở vùng sâu, vùng xa,
vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn). Theo Bộ Nội vụ,
đây cũng là nội dung cần nghiên cứu, sửa đổi trong Luật để bảo đảm thể
chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, tránh tâm lý “biên chế suốt đời”
trong đội ngũ viên chức sự nghiệp.
Theo Bộ Nội vụ, một số nội dung liên quan đến quản lý viên chức cần sửa đổi, bổ sung để đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra.
Trong
đó, về chế độ thôi việc đối với viên chức, theo quy định tại Điều 45
Luật Viên chức thì khi chấm dứt hợp đồng làm việc, viên chức được hưởng
trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm hoặc chế độ bảo hiểm thất nghiệp
theo quy định của pháp luật về lao động và pháp luật về bảo hiểm xã hội
(trừ trường hợp do bị buộc thôi việc, đơn phương chấm dứt hợp đồng làm
việc). Đồng thời, theo quy định tại Khoản 4 Điều 28 Luật Viên chức thì
khi viên chức chuyển công tác đến cơ quan, tổ chức, đơn vị khác sẽ chấm
dứt hợp đồng làm việc và được giải quyết các chế độ, chính sách theo quy
định của pháp luật.
Tuy nhiên,
trong quá trình thực hiện đã phát sinh bất hợp lý trong việc giải quyết
chế độ thôi việc đối với trường hợp viên chức chuyển từ đơn vị sự nghiệp
công lập này sang đơn vị sự nghiệp công lập khác theo kế hoạch của cơ
quan có thẩm quyền (ví dụ như như việc điều chuyển giáo viên, bác sỹ
trong từng địa phương) hoặc do viên chức đơn phương chấm dứt hợp đồng
làm việc (không phải do mất việc). Việc chi trả trợ cấp thôi việc, trợ
cấp mất việc trong các trường hợp này là không hợp lý, không bảo đảm
công bằng so với trường hợp viên chức nghỉ hưu theo quy định (vì khi
nghỉ hưu thì không được hưởng chế độ trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất
việc). Mặt khác, quy định này còn dẫn đến việc “lách” chính sách khi
viên chức chuẩn bị đến tuổi nghỉ hưu xin thôi việc để được hưởng chính
sách thôi việc. Do vậy, việc nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định của
Luật Viên chức liên quan đến chế độ thôi việc là cần thiết.
Về
phân cấp một số nội dung quản lý viên chức: Thực hiện nhiệm vụ, giải
pháp Nghị quyết số 19-NQ/TW đề ra về việc đẩy mạnh phân cấp, giao quyền
tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng phân định rõ việc
quản lý nhà nước với quản trị đơn vị sự nghiệp công lập và việc cung ứng
dịch vụ sự nghiệp, đồng thời thực hiện Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày
21/3/2016 của Chính phủ về phân cấp quản lý nhà nước giữa Chính phủ và
UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, việc rà soát, nghiên cứu sửa
đổi, bổ sung quy định của Luật Viên chức về nội dung “quản lý nhà nước
về viên chức” và “quản lý viên chức” là cần thiết.
Về
chuyển đổi giữa viên chức và cán bộ, công chức: Theo quy định của Luật
Cán bộ, công chức hiện nay thì viên chức giữ chức danh lãnh đạo, quản lý
trong đơn vị sự nghiệp công lập được xác định là công chức. Tuy nhiên,
tại Nghị quyết số 19-NQ/TW đã xác định không thực hiện chế độ công chức
trong đơn vị sự nghiệp công lập (trừ các đơn vị phục vụ nhiệm vụ chính
trị và phục vụ quản lý nhà nước). Do vậy, cần nghiên cứu sửa đổi quy
định tại Điều 58 Luật Viên chức cho phù hợp, đồng thời bảo đảm tính liên
thông giữa đội ngũ viên chức và đội ngũ cán bộ, công chức trong hệ
thống chính trị.
Về vấn đề kỷ luật
đối với viên chức: Tương tự như nội dung kỷ luật đối với cán bộ, công
chức, các quy định liên quan đến xử lý kỷ luật đối với viên chức đã nghỉ
hưu hoặc chuyển công tác ra khỏi khu vực đơn vị sự nghiệp công lập,
hình thức xử lý kỷ luật và thời hiệu xử lý kỷ luật viên chức cũng cần
được sửa đổi để bảo đảm đồng bộ giữa kỷ luật của Đảng với kỷ luật của
Nhà nước./.