Hội
nghị Trung ương 7 (khóa XII) lần này đã kế thừa, bổ sung và phát triển
Nghị quyết Trung ương 3 (khoá VIII) về Chiến lược cán bộ, các nghị
quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, từ đó đến nay
với nhiều nội dung đổi mới quan trọng, có tính đột phá chiến lược, khả
thi và sát với tình hình thực tế của nước ta.
Ban
Chấp hành Trung ương Đảng đã chỉ rõ, trong những năm qua, bên cạnh
những kết quả đạt được, chúng ta cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế
còn tồn tại đối với công tác cán bộ. Đó là đội ngũ cán bộ trong hệ thống
chính trị đông nhưng không mạnh. Chất lượng đội ngũ cán bộ không đồng
đều, tình trạng vừa thừa, vừa thiếu cán bộ còn xảy ra ở nhiều nơi. Không
ít cán bộ, kể cả cán bộ cấp chiến lược chưa ngang tầm với nhiệm vụ được
giao. Một bộ phận không nhỏ cán bộ thiếu tu dưỡng, rèn luyện, có biểu
hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, thậm chí vi
phạm pháp luật; “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Mới chỉ sau nửa nhiệm
kỳ thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) của Đảng về phòng chống
tham nhũng đã phát hiện hàng nghìn vụ vi phạm pháp luật, hàng trăm vụ
tham ô, tham nhũng phải xử lý hình sự và hàng nghìn cán bộ, đảng viên bị
xử lý, trong đó có những cán bộ cao cấp của Đảng...
Từ
thực tế trên, Hội nghị Trung ương 7 (khoá XII) đã chỉ rõ: Đội ngũ cán
bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược mà chúng ta tập trung xây dựng trong
thời gian tới phải có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, đáp ứng yêu cầu,
nhiệm vụ của thời kỳ mới - thời kỳ xây dựng nền dân chủ xã hội chủ
nghĩa (XHCN), Nhà nước pháp quyền XHCN, phát triển nền kinh tế thị
trường định hướng XHCN, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thích ứng
với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, nền kinh tế số, kinh tế tri thức và
biến đổi khí hậu, nước biển dâng; giữ vững an ninh chính trị, trật tự,
an toàn xã hội, bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ trong bối
cảnh tình hình trong nước, khu vực và thế giới diễn biến nhanh chóng,
phức tạp, khó lường. Đây là vấn đề có ý nghĩa hết sức quan trọng mà đồng
chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nhiều lần nhấn mạnh: “Xây dựng
Đảng là nhiệm vụ “then chốt” thì công tác cán bộ là then chốt của nhiệm
vụ then chốt”. Đầu tư xây dựng đội ngũ cán bộ là đầu tư cho phát triển
lâu dài, bền vững.
Hội nghị Trung
ương 7 (khóa XII) cũng chỉ rõ: Thực hiện nghiêm, nhất quán nguyên tắc
Đảng lãnh đạo trực tiếp, toàn diện công tác cán bộ và quản lý thống nhất
đội ngũ cán bộ theo nguyên tắc tập trung dân chủ. Chuẩn hóa, siết chặt
kỷ luật, kỷ cương đi đôi với tạo môi trường, cơ chế và điều kiện để thúc
đẩy đổi mới, sáng tạo và bảo vệ cán bộ; phân công, phân cấp gắn với
giao quyền, ràng buộc trách nhiệm, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám
sát, kiểm soát quyền lực và xử lý nghiêm minh sai phạm. Tôn trọng và
hành động theo quy luật khách quan, thường xuyên đổi mới công tác cán
bộ, bảo đảm tính khách quan, đúng đắn, đồng bộ và phù hợp với tình hình
thực tiễn. Xây dựng đội ngũ cán bộ phải xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ
của thời kỳ mới; thông qua hoạt động thực tiễn và phong trào cách mạng
của nhân dân; đặt trong tổng thể của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng;
gắn với đổi mới phương thức lãnh đạo, kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao
dân trí, đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, thu
hút, trọng dụng nhân tài. Quán triệt nguyên tắc về quan hệ giữa đường
lối chính trị và đường lối cán bộ; quan điểm giai cấp và chính sách đại
đoàn kết rộng rãi trong công tác cán bộ. Xử lý hài hoà mối quan hệ giữa
tiêu chuẩn và cơ cấu; giữa “xây và chống”; giữa “đức và tài”; giữa “hồng
và chuyên”; giữa tính phổ biến và tính đặc thù; giữa kế thừa và phát
triển; giữa thẩm quyền, trách nhiệm cá nhân và tập thể. Xây dựng đội ngũ
cán bộ là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trực tiếp là của các
cấp uỷ, tổ chức đảng mà trước hết là người đứng đầu và cơ quan tham mưu
về công tác tổ chức, cán bộ của Đảng. Phát huy mạnh mẽ vai trò của Nhà
nước, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân và cơ quan truyền thông,
báo chí trong công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ.
Đặc
biệt, lần này Trung ương yêu cầu phải có phương pháp đánh giá cán bộ
một cách khách quan, khoa học và chính xác; có cơ chế tạo động lực, đổi
mới sáng tạo, rèn luyện qua thực tiễn có nhiều khó khăn, thách thức lớn
của đội ngũ cán bộ và đề cao giải pháp kiểm soát quyền lực, chống chạy
chức, chạy quyền, chủ nghĩa cá nhân, cục bộ địa phương, họ hàng trong
công tác cán bộ; coi đây là một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan
trọng để đấu tranh ngăn chặn sự tha hóa quyền lực trong bộ máy công
quyền, sự suy thoái, biến chất của một bộ phận cán bộ, đảng viên để củng
cố và nâng cao niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ
ta.
Phát
biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII), đồng chí Tổng Bí thư
Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ, để thực hiện có kết quả Nghị quyết, tất cả
chúng ta, từ trên xuống dưới, đều phải có quyết tâm rất lớn, có sự thống
nhất rất cao, lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, quyết liệt, “nói đi đôi với
làm”, làm cho Nghị quyết lần này thực sự đi vào cuộc sống, tạo chuyển
biến rõ rệt, thu được kết quả cụ thể, cán bộ, đảng viên và nhân dân nhìn
thấy được, cảm nhận được. Trong nửa cuối của nhiệm kỳ (khoá XII), cố
gắng phấn đấu hoàn thành một bước việc thể chế hoá, cụ thể hoá Nghị
quyết thành các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước về công tác
cán bộ, xây dựng và quản lý đội ngũ cán bộ theo quy hoạch, phù hợp với
tình hình thực tế; từng bước thực hiện việc bố trí Bí thư cấp uỷ cấp
tỉnh, cấp huyện không là người địa phương; hoàn thành việc rà soát, cơ
cấu lại đội ngũ cán bộ các cấp gắn với kiện toàn tổ chức bộ máy tinh
gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đồng thời, làm tốt công tác chuẩn bị
nhân sự Đại hội Đảng bộ các cấp và Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của
Đảng.
Như
vậy, với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, đổi
mới toàn diện công tác cán bộ mà Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII) đã
thông qua, nhất định công tác xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là
cán bộ cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm
vụ sẽ tạo chuyển biến mạnh mẽ, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới./.