Đề
án trình Hội nghị Trung ương 7 lần này nhằm ban hành Nghị quyết mới
thay thế Nghị quyết Trung ương 3, khóa VIII về Chiến lược cán bộ thời kỳ
đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã yêu cầu
phải đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ. Trong ảnh: Các đại biểu dự Hội
nghị Trung ương 6 khóa XII.
Trong suốt quá trình lãnh đạo, Đảng ta
luôn quan tâm đến công tác cán bộ và xác định việc xây dựng đội ngũ cán
bộ là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa quyết định sự thành bại
của cách mạng. Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh: “Cán
bộ là cái gốc của mọi công việc”, “Muôn việc thành công hoặc thất bại
đều do cán bộ tốt hoặc kém”.
Công tác cán bộ ngày càng quan trọng
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần
chỉ rõ: “Công tác cán bộ qua thực tiễn ngày càng thấy quan trọng, là
nguyên nhân của mọi nguyên nhân, là gốc của mọi công việc, then chốt của
then chốt”; đây là công tác đối với con người nên rất hệ trọng và nhạy
cảm,... xây dựng Đảng là xây dựng tổ chức và xây dựng con người nhằm bảo
đảm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ và đường lối chính trị trong mỗi giai
đoạn cách mạng. Tại Đại hội XII, Đảng nhìn nhận: "Những hạn chế, khuyết
điểm trong công tác cán bộ là một trong những điểm yếu, cản trở sự phát
triển."
Trong các khâu của công tác cán bộ, thì
đánh giá cán bộ là khâu tiền đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, quyết
định tới việc sắp xếp, sử dụng cán bộ hiệu quả. Tuy nhiên văn kiện Đại
hội XII của Đảng đã chỉ rõ: “Đánh giá cán bộ vẫn là khâu yếu nhất qua
nhiều nhiệm kỳ nhưng chưa có những tiêu chí cụ thể và giải pháp khoa học
để khắc phục”. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) cũng nêu tình trạng:
“Đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ còn nể nang, cục bộ”. Việc đánh giá
chưa đúng dẫn đến bố trí cán bộ có lúc, có nơi chưa đúng.
Thực tế cho thấy một số cấp ủy, tổ chức
đảng chưa làm tốt công tác đánh giá cán bộ trước khi bổ nhiệm, bầu cử;
không ít trường hợp cán bộ ở các cấp mới được bầu vào cấp ủy hoặc được
bổ nhiệm đã bộc lộ yếu kém cả về phẩm chất, năng lực và uy tín, một số
vi phạm khuyết điểm, thậm chí bị xử lý kỷ luật.
Báo cáo của Ban Tổ chức Trung ương tại Hội
nghị toàn quốc ngành Tổ chức Xây dựng Đảng năm 2017 đã từng nhận định:
“Công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ còn nhiều hạn chế, yếu kém,
sơ hở; còn tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm, cấp trên “sợ” cấp
dưới trước thời điểm lấy phiếu tín nhiệm hoặc đánh giá cán bộ cuối năm.
Còn tình trạng cấp dưới chưa thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả sự chỉ
đạo, lãnh đạo của cấp trên. Ở một số nơi, một số trường hợp tuy thực
hiện “đúng” quy trình nhưng vẫn không chọn “trúng” người, “đúng” việc,
gây bức xúc trong xã hội”.
Nhìn nhận tầm quan trọng của công tác đánh
giá cán bộ, để từ đó sử dụng đúng, sát với yêu cầu công việc, Nghị
quyết Đại hội XII của Đảng đã chỉ rõ: “Đổi mới mạnh mẽ công tác cán
bộ... Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh
công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước... Tiếp tục ban hành và thực hiện
các quy định, quy chế, cơ chế trong công tác cán bộ... trong đó có quy
chế về việc đánh giá đúng đắn, khách quan đối với cán bộ, để có cơ sở sử
dụng, bố trí cán bộ, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng chạy chức, chạy
tuổi, chạy bằng cấp... ”.
Quyết tâm đổi mới công tác đánh giá cán bộ
đã được xác định rõ trong Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) là: Hoàn
thiện quy chế đánh giá cán bộ một cách khoa học, phù hợp; quy định lấy
phiếu tín nhiệm ở các cấp, các ngành định kỳ hoặc đột xuất... Tiêu chí
quan trọng để đánh giá cán bộ, đảng viên là chương trình hành động của
tập thể và cá nhân; kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao; kết quả thực
hiện cam kết rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống; tự phê bình
và phê bình; sự nêu gương của cán bộ lãnh đạo, quản lý; hiệu quả đấu
tranh, khắc phục suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"...
Gần đây, thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí
thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành Quy định số 90-QĐ/TW về tiêu chuẩn chức
danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ
Chính trị, Ban Bí thư quản lý và Quy định số 89-QĐ/TW về khung tiêu
chuẩn chức danh, định hướng tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo quản lý
các cấp.
Chuẩn bị công phu, bài bản
Theo đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ
Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Trưởng
Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án, việc xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất
là cấp chiến lược là việc rất khó và rất quan trọng. Từ Hội nghị Trung
ương 4 khóa XI đến nay, ngành Tổ chức xây dựng Đảng đã hoàn thành một
khối lượng lớn công việc, trong đó có nhiều việc mới, khó, nhạy cảm,
phức tạp, đến nay mới từng bước được nhận diện và tháo gỡ.
Tuy nhiên, tổ chức bộ máy của hệ thống
chính trị vẫn còn cồng kềnh, chồng chéo; nhiều tầng nấc, hoạt động kém
hiệu quả. Cơ chế kiểm soát quyền lực và tình trạng chạy chức, chạy quyền
vẫn là điều trăn trở, băn khoăn, lo lắng của cấp ủy Đảng. Bởi vậy, nếu
không có cuộc cách mạng đổi mới chính mình thì không thể xây dựng Đảng
trong sạch, vững mạnh.
Trưởng Ban Tổ chức Trung ương cho rằng,
nếu bố trí cán bộ đúng thì công việc "chạy", còn bố trí cán bộ không
đúng thì vừa khó, vừa khổ và công việc không "chạy". Do đó, trước nhiệm
vụ mới, tình hình mới, đòi hỏi Đảng ta phải sớm có Nghị quyết mới về
công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ
của tình hình mới.
Đề án đánh giá thực trạng đội ngũ cán bộ
cấp chiến lược và đề ra quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể
để xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất, uy
tín, ngang tầm nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới.
Đề án này xác định đội ngũ cán bộ lãnh
đạo, quản lý cấp chiến lược là các chức danh cán bộ diện Ban Chấp hành
Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, bao gồm: các đồng chí là
Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư và
các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước; trưởng, phó cơ
quan tham mưu, giúp việc, đơn vị sự nghiệp của Đảng; bộ trưởng, thứ
trưởng và tương đương; bí thư, phó bí thư tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy
trực thuộc Trung ương; chủ tịch HĐND, chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực
thuộc Trung ương.
Quá trình xây dựng Đề án, Ban Chỉ đạo xây
dựng Đề án đã làm việc trực tiếp với 15 cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc
Trung ương; tổ chức 25 hội nghị, hội thảo ở 3 miền Bắc, Trung, Nam, lấy ý
kiến 2 vòng các Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy, Đảng ủy, Đảng đoàn, Ban cán
sự đảng, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc Trung ương; tổ chức các
hội nghị, hội thảo lấy ý kiến của các cán bộ Lãnh đạo và nguyên Lãnh
đạo Đảng, Nhà nước, các nhà khoa học. Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án cũng
đặt hàng Viện Nghiên cứu dư luận xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương tiến
hành điều tra xã hội học về công tác cán bộ và đội ngũ cán bộ và nghiên
cứu, tham khảo kinh nghiệm một số nước như Trung Quốc, Nhật Bản,
Australia, Singapore…
Mục tiêu của Đề án là đến năm 2030 xây
dựng được đội ngũ cán bộ, nhất là cấp chiến lược có phẩm chất, năng lực,
uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; đủ về số lượng, có chất lượng, cơ cấu phù
hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc; bảo
đảm sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ, đủ sức lãnh đạo
đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2030
và tầm nhìn đến năm 2045 trở thành nước công nghiệp hiện đại, theo định
hướng XHCN.
Đề án này cũng nhằm cụ thể hóa những nội
dung Nghị quyết Đại hội XII của Đảng về cán bộ và công tác cán bộ; đồng
thời, cũng để đồng bộ với Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII về xây
dựng, chỉnh đốn Đảng và các Nghị quyết Trung ương 5, 6 khóa XII về sắp
xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước; sắp xếp, đổi mới đơn vị sự nghiệp
công lập; sắp xếp, đổi mới tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
Nhiều quan điểm mới, toàn diện
Trả lời phỏng vấn báo chí, ông Phạm Quang
Hưng - Vụ trưởng Vụ IV, Ban Tổ chức Trung ương cho biết trên cơ sở kế
thừa, bổ sung và phát triển các quan điểm của Đảng về công tác cán bộ,
Đề án đã đề xuất nhiều quan điểm mới, toàn diện hơn về lĩnh vực này.
Việc đánh giá cán bộ cấp chiến lược sẽ gắn
với kết quả hoàn thành nhiệm vụ của lĩnh vực, ngành, địa phương và so
sánh với các chức danh tương đương; đánh giá để bổ nhiệm và bầu cử phải
trực tiếp khảo sát, gặp gỡ, trao đổi đối với các tổ chức, cá nhân có
liên quan và tiếp nhận ý kiến phản ánh, đóng góp của cán bộ, đảng viên
và nhân dân để nắm rõ cán bộ.
Ban soạn thảo Đề án cũng đề xuất, việc bầu
cử, bổ nhiệm cán bộ được thực hiện theo hướng mở rộng dân chủ, có số
dư, cạnh tranh lành mạnh ở tất cả các chức danh. Ứng viên phải trình bày
chương trình hành động, cam kết chịu trách nhiệm, bầu cử kết hợp với
thi tuyển.
Ban soạn thảo Đề án cũng đề xuất xây dựng
chiến lược quốc gia về nhân tài theo hướng không phân biệt đảng viên hay
người ngoài Đảng; xác định rõ khái niệm tiêu chí về nhân tài cũng như
quan điểm phát triển, việc lựa chọn, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng và phát
huy; những cơ chế, chính sách để nhân tài phát triển, gắn với xây dựng
đội ngũ cán bộ, nhất là cấp chiến lược.
Trong đó, Đề án đưa ra cơ chế phát hiện,
quy hoạch, đào tạo, bố trí cán bộ trẻ có bản lĩnh, năng lực nổi trội và
triển vọng phát triển vào các vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả vượt cấp.
Đề án có nội dung về việc bổ sung và hoàn
thiện quy định lấy phiếu tín nhiệm trong Đảng và những người giữ chức vụ
do Quốc hội, HĐND các cấp bầu hoặc phê chuẩn theo hướng thực chất hơn;
mở rộng thành phần lấy phiếu để làm rõ mức độ tín nhiệm đối với cán bộ.
Ngoài ra, để đảm bảo việc lựa chọn cán bộ
khách quan và đúng người, quy định về thẩm định, giám sát bầu cử, bổ
nhiệm, bổ nhiệm lại cán bộ cũng sẽ được xây dựng.
"Chúng tôi sẽ xây dựng quy định để việc
nhận trách nhiệm, từ chức, từ nhiệm trở thành nếp văn hoá ứng xử của cán
bộ; hoàn thiện các quy định về cách chức, bãi nhiệm, miễn nhiệm để chủ
trương "có lên có xuống", "có vào có ra" là việc bình thường trong công
tác cán bộ", ông Hưng nói.
Hàng loạt giải pháp xây dựng đội ngũ cán
bộ cũng được Ban soạn thảo Đề án đưa ra, trong đó có thực hiện nhất quán
việc bố trí bí thư cấp uỷ cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa
phương; khuyến khích thực hiện đối với các chức danh khác, nhất là chức
danh chủ tịch UBND.
Nhằm tạo môi trường bình đẳng để thu hút
tối đa tiềm năng, trí tuệ của đội ngũ cán bộ các cấp, ban soạn thảo Đề
án cho rằng cần tiếp tục mở rộng thực hiện chủ trương thí điểm thi tuyển
cán bộ lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan, tổ chức của hệ thống chính
trị, đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp nhà nước.
Theo ông Phạm Quang Hưng, trước đây Trung
ương đặt ra mục tiêu tỷ lệ cán bộ được bổ nhiệm thông qua thi tuyển đạt
30% đối với các Bộ, ngành và lựa chọn đơn vị thực hiện nhưng sắp tới sẽ
mở rộng hơn. Vừa qua, Ban tổ chức Trung ương đã tổ chức thi tuyển tất cả
các chức danh Vụ trưởng, sắp tới là cấp trưởng phòng.
Đề án đưa ra quyết tâm chặn đứng tiêu cực
và triệt để chống tình trạng chạy chức, chạy quyền trong công tác cán
bộ. Theo ông Hưng, hành vi chạy chức, chạy quyền sẽ được coi là tham
nhũng trong công tác cán bộ để nhận diện rõ và đấu tranh quyết liệt,
hiệu quả với các đối tượng có biểu hiện. "Phải nâng cao ý thức trách
nhiệm, lòng tự trọng và hình thành văn hoá nói không với chạy chức, chạy
quyền", ông Hưng nói.
Theo ông Hưng, Đề án nêu trên được xây
dựng đảm bảo sự đồng bộ, hiêu quả với việc thực hiện Nghị quyết Trung
ương 4 về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và Nghị quyết Trung ương 6 về sắp xếp
tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
"Nếu được Trung ương thông qua và thực
hiện nghiêm túc, đồng bộ thì Đề án sẽ tạo chuyển biến mạnh mẽ về công
tác cán bộ, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới", ông nói.