Tối 16/12, tại Hà Nội, Quỹ “Mãi mãi tuổi 20” phối hợp với Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn tổ chức Chương trình giao lưu nghệ thuật, gặp gỡ nhân chứng lịch sử mang tên 'Kiên cường Việt Nam' và Lễ công bố 2 kỷ lục Quốc gia tôn vinh giá trị bộ sách "Nhật ký thời chiến Việt Nam".
Tham dự sự kiện này, có TSKHQS. AHLLVTND, Trung Tướng Đoàn Sinh Hưởng - Chủ tịch Hội Đồng Quản lý Quỹ; bà Trần Hồng Dung – Phó Chủ tịch Thường trực và các thành viên Hội đồng Quản lý cùng Ban Giám đốc Quỹ; Đại diện lãnh đạo, Hội Cựu chiến binh của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn.
Đặc biệt, sự kiện còn có sự tham gia của 2 cựu chiến binh, là nhân chứng lịch sử đến từ Quảng Ngãi: Thương binh Huỳnh Đoàn Sang và cựu chiến binh Nguyễn Tấn Một, đều là bạn chiến đấu của Liệt sỹ Đặng Thuỳ Trâm tại địa bàn Đức Phổ ác liệt năm xưa. Anh Huỳnh Đoàn Sang là thương binh được chị Thùy trực tiếp mổ ruột thừa. Chị Thùy nhắc đến anh Sang ngay trang đầu tiên của Nhật ký. Anh Nguyễn Tấn Một là y tá ở cùng bệnh xá chị Trâm phụ trách. Anh Một là người đưa gia đình lên núi đưa hài cốt chị Thuỳ về đồng bằng.
Theo Nhà văn Nguyễn Quang Thiều – Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đánh giá: “Nhật ký thời chiến Việt Nam” là bộ hồ sơ đặc biệt về Văn hoá Việt Nam và Chiến tranh Giải phóng dân tộc.
Nhật ký thời chiến Việt Nam” là một bộ sách đồ sộ, mang tính nhân văn sâu sắc, được xem như là “một công trình tượng đài di sản phi vật thể. Bộ sách gồm 4 tập, mỗi tập dày hơn 1.000 trang gồm 31 nhật ký của 31 tác giả, do nhà văn, cựu chiến binh Đặng Vương Hưng làm chủ biên; Quỹ “Mãi mãi tuổi 20” phối hợp với Câu lạc bộ “Trái tim Người lính” tổ chức bản thảo, Nhà xuất bản Hội Nhà văn cấp phép ấn hành.
Bộ sách “Nhật ký thời chiến Việt Nam” là công trình tâm huyết được thực hiện trong thời gian 16 năm (2004 – 2020) của cựu chiến binh nhà văn Đặng Vương Hưng, cùng Nhóm cộng sự mà giá trị của tác phẩm sẽ còn mãi với thời gian.
Điều đặc biệt là 2/3 số tác giả góp mặt trong bộ sách này đã không còn nữa. Nhiều người đã ngã xuống ngoài chiến trường, hoặc bị thương hoặc vì di chứng chiến tranh, đã mất sau khi trở về. Có thể nói, ngoài giá trị tư liệu, lịch sử, văn hoá, xã hội… bộ sách Nhật ký thời chiến Việt Nam còn được xem như một di sản vô giá, mà các anh hùng, liệt sĩ, các cựu binh đã để lại cho thế hệ mai sau.