CHUNG TAY CẢI CÁCH THỦ TỤC HÀNH CHÍNH CÔNG KHAI - MINH BẠCH - CHÍNH XÁC - HIỆU QUẢ VĂN MINH - THÂN THIỆN - TRÁCH NHIỆM LÂY NGƯỜI DÂN VÀ DOANH NGHIỆP LÀM TRUNG TÂM ĐỂ PHỤC VỤ; SỰ HÀI LÒNG CỦA NGƯỜI DÂN, DOANH NGHIỆP LÀ THƯỚC ĐO CHẤT LƯỢNG VÀ HIỆU QUẢ PHỤC VỤ CỦA CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC VÀ CƠ QUAN NHÀ NƯỚC
  22/10/2021     |  Lượt xem 80   

Đất lở

Truyện ngắn dự thi. MAI TIẾN NGHỊ

Trời đất âm u, mưa giăng giăng phủ lên dãy núi thấp quanh quận lị Phước Tân làm cho nó trở nên mờ ảo như lưỡi cưa cùn khổng lồ bị bẻ cong. Chiều muộn, tạnh. Một chút nắng loé lên khiến những ngọn núi như nhọn hơn trong ráng chiều đỏ ối.
Cách thị trấn khoảng vài cây số, một quả núi thấp như người nằm sóng soài có một vạt lở dựng đứng phơi màu đất bazan nhấp nhoá nước mưa như vết chém đang rỉ máu.
Hai bóng người ngồi bên nhau dưới những vòng dây thép gai sắc trong cái hõm đất tối. Mọi sự đối với họ là hư không. Không thời gian, không cảm giác. Chỉ có hoang hoải và trống rỗng. Họ nép vào nhau để cố lấp đầy khoảng trống vô hình.
- Chúng ta là ai?
Một người hỏi, vô thanh, môi không mấp máy mà người kia vẫn nghe rõ giọng Quảng.
- Là những người lính! - Giọng Bắc trả lời.
- Đã đành. Nhưng tôi muốn hỏi chúng ta là cái gì trong cuộc đời này?
Người Bắc nhìn quanh.
Những vòng dây thép gai hằn in trên nền trời. Mặt đất chi chít những hố bom pháo đỏ màu máu. Dế giun bắt đầu rên rỉ trong chiều muộn…
- Bây giờ chả là gì cả - Người Bắc ngoái nhìn lại phía sau.
Hai thi thể nằm đè lên nhau, quân phục đều màu cỏ úa nhưng chất liệu khác nhau. Một kaki Mĩ, một gabardine Trung Quốc.
- Tôi trung sĩ nhất Huỳnh Đạt. Trước khi đi lính mần ruộng chạy xe lôi.
Người Bắc gật đầu:
- Còn tôi Trần Hữu Rư. Nông dân.

*

**

Căn lều lợp tôn bé tin hỉn mỗi chiều hơn ba mét, vách thưng sơ sài bằng những vỏ bìa các tông và tôn phế thải. Bóng vật dụng trong lều in lên vách thành những hình thù quái dị trong ánh sáng leo lét của chiếc đèn cầy. Cửa lều được che sơ sài bằng mảnh bao bố đã mục cũng bé chỉ đủ một người chui lọt. Cái giường sắt cá nhân trong góc lều. Một con mèo lim dim ngủ cạnh rổ nhựa đựng mấy cái chén mẻ.
Một người đàn bà bế đứa con gái nhỏ đang ngồi trên giường tạc bóng lên vách. Chắc đứa bé đã bú no nên ngửa mặt nằm ngủ trong khi người mẹ im lặng như hoá đá. Dù buồn bã nhưng khuôn mặt người đàn bà vẫn không thể giấu được nét đẹp mặn mà. Trong khoảng sáng nhờ nhờ, khuôn mặt nàng như trắng lên, bầu ngực trắng mọng căng, trễ nải do đứa con bú xong nhưng áo chưa kéo xuống. Hình như cái thứ ánh sáng nhờ nhờ ấy đã làm bật lên sự tương phản trắng đen dưới mái lều ọp ẹp.
Có tiếng chân bước khẽ. Con mèo mở choàng mắt quay ngoắt, thủ thế nhìn ra. Một người đàn ông cao lớn xuất hiện. Gã vén cái mảnh bố che cửa rồi luồn vào lều nhanh như một con cáo.
Người đàn bà vẫn ngồi bất động, ơ hờ:
- Lại đến à?
- Ừa - Gã đàn ông vừa nói vừa ngoặc một cái túi nilon lên vách rồi tập tễnh đến bên người đàn bà.
- Nhớ quá! Nhớ quá! - Gã hít hà trong miệng và vươn tay.
Một đôi bướm, một nâu, một xám đen chập choạng theo người đàn ông, hình như hắn di chuyển tạo thành luồng gió cuốn đôi bướm vào nhà. Đôi bướm đậu vào vì kèo ngay dưới ánh nến. Con mèo ngẩng lên nhìn chăm chăm, cong người rình rập…
Người đàn bà vẫn cúi đầu, nàng né người gạt cánh tay của thằng đàn ông đang rờ rẫm trên bầu ngực căng sữa:
- Chi mà vội rứa. Đợi tui đặt con nhỏ. Mà bữa rày trên giường hay dưới đất?
Gã đàn ông nhăn nhở:
- Lẹ lên cho anh còn đi họp ủy ban chớ. Thôi dưới đất cho chắc.
Người đàn bà uể oải đặt con xuống giường. Nàng dém cái chăn xung quanh để con bé khỏi giật mình. Một mảnh bao bố khác lấy từ cuối giường được trải xuống đất, xong nàng quay lưng ra ngoài, thong thả cởi quần áo.
Khi người đàn bà quay lại, cả người nàng như toả sáng. Khuôn ngực đầy đặn, cái bụng phẳng, eo thon và vòng mông nở nang, cặp đùi dài mướt mát… Phồn thực và quyến rũ đến ma mị.
Như bị kích thích, gã đàn ông vội vã giật nút áo quần. Khi kéo quần tụt khỏi chân, gã phải vịn thành giường cho khỏi đổ vì một cẳng chân gày ngẳng và ngắn ngủn.
Gã thọt lao đến ôm lấy người đàn bà. Nàng lạnh lùng đẩy ra:
- Gạo đâu?
- Đây - Gã nhăn nhở cười và chỉ tay vào cái dúm vừa treo lên vách.
Người đàn bà đến bên vách nhấc dúm nilon:
- Từng ni sao đủ?
Miệng vẫn nhăn nhở, gã đàn ông thanh minh:
- Hôm ni mụ vợ canh dữ quá hà… Với lại nhà cũng chỉ còn có ít…
- Chỗ này chỉ được ba lon. Bảy lon mới xong. Về đi!
- Mai mốt bù - Gã thọt lao đến ôm chặt cứng người đàn bà. Nàng vùng vằng cố đẩy gã ra. Nhưng điều đó chỉ càng kích thích con đực. Tật nguyền nơi cẳng chân thì sức mạnh được dồn lên cánh tay, gã khoá cứng tay nàng rồi rướn người dùng đầu gối chân thọt thúc vào khoeo chân người đàn bà làm nàng đổ vật xuống mảnh bao bố trên nền đất.
“Không!” - Người đàn bà nằm ngửa co chân đạp lia lịa, nàng vươn tay lấy hết sức đẩy gã thọt ra khỏi người. Nhưng sức vóc đàn bà làm sao có thể địch lại được thằng đàn ông đang hăng máu, nàng đành buông xuôi bất lực…
Con mèo không tập trung vào đôi bướm nữa, nó duỗi mình ngơ ngác nhìn hai con người vật lộn. Chợt từ trên xà nhà con bướm nâu liệng xuống ngay chót mũi con mèo. Mèo vội quay lại. Bướm nâu chấp chới bay lên. Con mèo tung mình lao theo. Con bướm bay lên như trêu ngươi. Hụt! Con mèo rơi xuống trúng rổ bát. “Xoảng”. Cái rổ lật nghiêng, bát đũa tung toé.
Gã thọt giật nảy mình nhỏm người ngồi dậy. Người đàn bà thừa cơ co chân. Bị cú đạp bất ngờ trúng bụng, gã thọt đổ vật ngửa trên nền đất. Người đàn bà vùng dậy chạy lại bếp vớ lấy con dao thủ thế. Nàng thở hổn hển khi thằng đàn ông sấn đến.
- Mi cứ đến đây… Tau sẽ cho mi một nhát.
Thằng đàn ông khựng lại. Hắn gầm gừ:
- Đồ điếm! Lại còn làm cao.
Người đàn bà mắt long lên, ưỡn ngực kiêu hãnh:
- Mi là thằng hèn… Chích hiểm cho thọt chân để không phải đi quân dịch. Rồi bợ đỡ bên thắng để làm cán bộ ba mươi tháng tư chứ mi là cái chi mà tau phải sợ. Đồ cán bộ mắc dịch! Tau có thừa đách cũng không cho mi đụ thiếu. Nghe chưa!
Gã thọt vừa mặc quần áo vừa cảnh giác nhìn con dao trên tay người đàn bà.
- Rồi mi sẽ biết tay tau! - Gã cười nhạt, giật vội túi gạo trên vách rồi tập tễnh luồn qua cửa biến vào bóng tối.

*
* *


Rư nghiến răng:
- Khốn nạn! Chồng chết trận. Vợ làm đĩ.
Quay lại, thấy Đạt đang ngồi gục mặt khóc rấm rứt:
- Sao có loại hèn thế chứ.
Rư quát:
- Còn ngồi mà khóc được à!
Đạt ngẩng lên khuôn mặt đầm đìa. Những giọt nước mắt đỏ như máu:
- Răng anh ác rứa?
Rư nhướng mày:
- Ơ hay. Sao lại bảo tôi ác?
Đôi mắt đỏ như máu nhìn thẳng Rư:
- Tôi chết… Vợ tôi buộc phải làm vậy để kiếm chút gạo nuôi con. Anh làm rứa mai con tôi lấy gì để sống?
Rư vỡ ra… ờ nhỉ. Nhưng người ta có thể làm việc khác lương thiện để sống cơ mà. Sao lại phải đi làm cái việc ô nhục ấy. Ngay tôi đây… Rư chợt nghĩ đến vợ và đứa con nhỏ ngoài Bắc. Không biết giờ mẹ con nó đang làm gì? Thằng bé lớn bằng nào rồi? Rư thấy ứ nghẹn. Nước mắt trào ra. Cũng đỏ như máu.

*
* *


Niên khom người chạy qua yên ngựa theo mọi người. Cách hàng rào độ bốn chục mét, mấy người đi đầu nhảy dựng lên rồi vật xuống. Đạn đại liên của địch veo véo mang tai. Niên đổ người xuống theo phản xạ. Phía trước mọi người cũng đã kịp nằm xuống. May quá, cách vài mét trước mặt là một mô đá thấp. Niên dán người xuống đất trườn đến đó. Thì ra Rư cùng mấy người cũng đã nằm ở đấy. Đạn địch toác toác bắn vào làm bay một miếng đá bên phải Niên. Không ai dám ngẩng đầu lên. Niên tưởng tượng, chỉ cần đưa tay lên thì cả trăm viên đạn sẽ găm vào ngay tức khắc.
Ùng oàng! Ùng oàng. Hai phát ĐK nổ liên tiếp. Đại liên địch im bặt. Khi Niên ngẩng lên thì thấy hàng rào phía trước đã bị hất tung ra hai phía tạo thành một lối đi rộng. “Lên!”. Rư thét rồi ôm AK vọt tới, các chiến sĩ lao theo. Họ vượt qua mấy hình hài bất động cạnh cửa mở để tràn vào cứ điểm.
Vào trong mới biết cứ điểm khá rộng, dễ bằng một sân bóng đá, lô cốt lô nhô, giao thông hào nối hầm ngầm chằng chịt. Bộ đội lên cả đại đội mà khi tản ra thấy như chỉ mấy người.
Không thấy tên địch nào. Chúng đã rút nhanh như có phép tàng hình.
Tiếng AK, tiếng lựu đạn nổ rền. Niên nép vào thành bê tông giật chốt lựu đạn ném vào trong lô cốt. Um… một tiếng nổ âm âm, khói khét lẹt. Phía sau là hai chiến sĩ phun lửa lật đật chạy đến: “Chỗ này chơi lựu đạn rồi à?”, Niên gật. Hai người tạt sang cửa hầm hai bên gí vòi phun lửa. Ục… lửa cuồn cuộn phụt ra ở lỗ châu mai.
Phía tây cứ điểm có tiếng súng AR15 nổ rời rạc.
Thấy Rư đã chạy về hướng đó, Niên lao theo. Thoáng cái đã thấy bóng Rư mất hút sau đám công sự lều bạt ngổn ngang.
Niên chạy đến cuối cứ điểm và khựng lại vì đằng trước là khoảng không thăm thẳm. Một cái vực do đất lở. Nhìn xuống thấy thẳng đứng, sâu hun hút. Lưng chừng vạt đất lở một thềm đất nhô ra cỏ mọc um tùm. Rư ngồi trước một người lính bên kia đang nằm duỗi dài, hai cẳng chân xơ tướp những gân xương thịt như chân gà bị gặm dở, máu phun ra phè phè. Mặt anh ta cũng bết máu, ánh mắt đùng đục nhìn lên cầu khẩn: “Nước… nước. Cứu!”. Niên nhìn thấy tên Huỳnh Đạt in trên ngực áo.
Rư ngẩng lên: “Mày còn nước không, đưa tao?”. Niên vội vàng cởi cái bi đông cho Rư. Rư cầm bi đông nước rồi nhìn Niên bằng ánh mắt rất lạ: “Xuống ngay! Nó sắp sửa ném bom đấy”.
Niên cùng mọi người chạy theo con đường ô tô từ trên cao điểm xuống thị trấn. Quả nhiên tiếng máy bay đã rít như xé vải ngay trên đầu. Niên lao vào vệ đường, quăng người nằm gọn trong cái rãnh thoát nước nhưng vẫn ngẩng đầu nhìn về chỗ Rư. Một ánh chớp loé, hai thân người tung lên không. Mặt đất giật mạnh. Rồi liên tục thấy chớp loé...
Bom dứt, Niên cho đội cứu thương lên. Số bị thương đã được đưa về. Bảy liệt sĩ đã được xác định. Chỉ có Rư không thấy đâu. Niên chạy đến chỗ Rư đã ngồi cùng người lính đối phương. Một cái hố sâu đỏ tươi. Vậy là khi bị tung lên rơi xuống, Rư lại trúng quả bom thứ hai. Nó đã xoá sạch những gì còn lại của hai con người.
Niên bặm môi cố ghìm tiếng khóc nhưng nước mắt cứ trào ra.

*
* *


- Sao anh không rút theo đồng đội? - Rư hỏi.
- Vì người ta buộc tôi ở lại cầm chân các anh để đơn vị rút lui an toàn.
Huỳnh Đạt buồn bã trả lời và hỏi lại:
- Có phải vì tôi mà anh không chạy ngay theo bạn anh trước lúc máy bay tới? Răng anh làm rứa?
Rư chỉ nhìn Đạt, không trả lời.

*
* *


Hoàng hôn tím ngắt. Trong ánh sáng cuối ngày một đôi bướm chấp chới trước mặt Niên. Tự nhiên anh thấy rờn rợn. Đôi bướm nhịp cánh bay vòng vòng và đậu ngay trên xà nhà doanh trại. Lá thư Niên vừa nhận để trên bàn động đậy mặc dù trời không có gió. Niên quay lại nhìn.
Và anh không tin ở mắt mình. Lá thư cựa mình bay lên và rơi xuống đất, tựa như có người cầm lên xem rồi buông tay thả rơi.
Niên sững người. Toàn thân nổi gai ốc. “Anh Rư về đấy ư? Có phải vậy không? Vậy thì anh biết rồi đó. Khổ thân anh!”.

*
* *


- Sao không khóc cho nhẹ lòng hả ông bạn? - Đạt hỏi.
Rư vẫn mím môi, ánh mắt loé lên.
- Khốn nạn! Làm sao tôi có thể khóc được. Tôi chỉ lo. Đứa con tôi sẽ sống như thế nào khi mẹ nó đã đi lấy chồng, để nó lại cho ông bà nội. Bố mẹ tôi đã già...
- Tôi cũng như anh mà… Đứa con gái nhỏ của tôi…
- Không! Con anh dù sao vẫn còn có mẹ. Anh vẫn còn vợ. Vợ anh vẫn yêu anh dù cô ấy phải...

*
* *


Đã mấy chục năm trôi qua.
Những ngày trở trời trong đầu Niên vẫn hiển hiện chớp bom và hai cái xác tung lên trời. Trong giấc ngủ chập chờn ông vẫn mơ thấy Rư về với nét mặt buồn buồn, ánh mắt chứa chất điều trách móc. Bố mẹ Rư đã mất. Thằng Dự đã học xong đại học và xung phong vào nơi chiến trường xưa của bố làm việc tại một công trường.
Ngày bố mẹ Rư còn sống, mỗi lần sang nhà, Niên thấy như có lỗi khi thấy ánh mắt của các cụ đau đáu gửi về phía trời xa, nơi xương thịt đứa con của họ tan loãng vào gió bụi. Nhìn thằng bé Dự côi cút, ông quặn lòng nhớ ánh mắt giục giã của Rư lúc giục ông chạy ngay khỏi cứ điểm.
Ông đang nợ Rư.
Vào một đêm Rư lại về. Ánh mắt Rư lần này như cầu khẩn. Niên ngơ ngác không hiểu. Rư hất hàm ra hiệu cho Niên đi theo. Niên cắm cúi bước theo bóng Rư lúc ẩn lúc hiện. Ngẩng mặt lên đã thấy mình đứng trên cao điểm ngày xưa. Lau lách giờ mọc um tùm. Lại thấy bóng Rư thấp thoáng đằng trước. Đến một cái hố bom… Niên nhớ ra, chỗ này Rư đã ngồi xuống cho người lính Cộng hoà uống nước. Trong đầu lại hiện lên cái dòng chữ Huỳnh Đạt trên ngực áo và khuôn mặt bê bết máu, hai chân xơ tướp như chân gà gặm dở…
Niên lặng người thở dài trước hố bom, ngẩng lên lại thấy Rư vẫy vẫy. Lạ nhỉ! Còn đi đâu nữa? Thì đi! Đi dăm mét nữa thì gặp vạt đất lở dựng đứng. Niên khựng lại, lạnh dọc sống lưng, người rươn rướn như sốt rét. Ở lưng chừng vạt lở phía dưới cách chỗ Niên đứng khoảng bốn chục mét nhoài ra một nền đất tạo thành hõm. Ở đấy, trong đám cỏ tranh Rư đang đứng cùng với một người nữa.
Chuông điện thoại reo vang. Niên giật mình choàng dậy. Thì ra mình nằm mơ. Ông cầm máy. Điện thoại của thằng Dự.
Niên nghe máy xong thì tất cả lông tóc trên người dựng đứng. Sao lại có sự trùng hợp lạ lùng vậy? Sao giấc mơ của hai chú cháu giống nhau đến thế? Liệu có thể tin được không?
Niên nghiêm trang nói như ra lệnh:
- Vậy thì cháu chuẩn bị đi. Chú sẽ làm thủ tục giấy tờ… Tuần sau chú sẽ vào.
Dự ngạc nhiên:
- Nhưng đã biết bố cháu ở đâu ạ. Sao chú bảo tan nát hết rồi mà?
Niên kiên quyết:
- Cứ chuẩn bị đi. Chú sẽ giải thích sau.

*
* *


Bốn tiếng đồng hồ quăng quật trên con đường gập ghềnh đèo dốc lổn nhổn đất đá ổ gà, chiếc honda 67 cà khổ cõng hai chú cháu đến Tân Phước thì trời đã tối. Niên đã thấm mệt, miệng khô khốc, lưng mỏi dừ, đôi chân tê cứng. Nhìn sang thằng cháu mặt mũi nham nhở bụi đất lẫn mồ hôi thì ông biết Dự cũng đã oải. Niên nhìn lên ngọn núi đất nơi trận đánh ngày xưa. Hình như không thay đổi gì nhiều, chỉ vạt đất lở giờ đã xám đen như vết thương đang khô miệng. Ờ nhỉ, mọi vết thương đã thành sẹo. Có điều mỗi lần nhìn cái sẹo người ta lại nhớ cảm giác đau đớn ngày xưa.
Trong đầu Niên mơ hồ nỗi lo. Sao mình lại tin vào một giấc mơ?
Thôi cứ phải từ từ, nóng vội dễ dẫn đến sự thất vọng cho đứa cháu mồ côi. Nó khao khát được gặp bố dù chỉ là chút xương tàn. Niên tự nhủ mình và ông đã tính đến phương án xấu nhất có thể xảy ra.
Một đôi bướm nối đuôi bay vòng qua đầu hai chú cháu rồi chờn vờn trước mặt. Cánh bướm sát ngay trước mắt Niên, gần đến mức khoảng trời vàng rực hoàng hôn ẩn hiện nhập nhoà. Cánh bướm nhắp nhắp như thể môi người đang nói điều gì…
Niên sững sờ. Liếc nhìn Dự. Nó cũng đang đờ người kinh ngạc. Chợt Niên thấy người lạnh toát như thể đang tiếp xúc với thứ gì trong suốt nhưng lạnh giá. Người ông lâng châng như không trọng lượng, mắt ông mờ mờ sương giăng, ở đó thấp thoáng bóng Rư và người lính Cộng hoà Huỳnh Đạt.
Hai con bướm bay dọc con đường đất. Niên và Dự như người mộng du thập thễnh bước theo.
Ba chấm hương đỏ đòng đọc trong nhập nhoạng trời chiều, mùi trầm ngan ngát quyện với mùi đất ngai ngái ma mị mà đơn côi như trong nghĩa địa. Đôi bướm lượn vòng quanh những chấm đỏ và đậu vào ngọn xuyến chi giờ đang khép cánh hoa rũ xuống lúc đêm về.
Một thùng xốp, trên đó là cái đĩa có mấy quả xoài, một chiếc cốc cắm ba nén hương. Một cô gái đang ngồi cúi mặt. Bên cạnh là sạp hàng đã được thu dọn, cây dù che đã cụp xuống chĩa thẳng lên trời như mũi tên. Cô gái hướng về quả núi đất tay vái miệng lẩm nhẩm: “Lạy ba má… con về”.
Niên cất tiếng chào khi cô gái đã đứng lên. Mặc dù ăn mặc sơ sài nhưng ở cô vẫn toát lên sức sống khoẻ khoắn với dáng người cân đối gọn gàng. Ánh hoàng hôn soi rõ khuôn mặt thanh tú mịn màng, đôi mắt đen thông minh sáng lên dưới hàng mi cong rợp.
- Cháu ơi, ở đây có khách sạn, nhà nghỉ nào không? - Niên hỏi.
Đôi mắt đen nhìn hai người dò xét:
- Dạ thưa không có chú à.
- Gay rồi! - Niên quay sang nói với Dự - Chú cháu mình đêm nay chắc phải trải vải mưa nằm nuôi muỗi.
Đôi mắt đen cụp xuống như ái ngại. Một lát sau ánh mắt ngước nhìn hai người quả quyết:
- Dà… hay là chú về nhà trọ của cháu. Cháu sẽ thưa với chủ nhà xin cho hai người nghỉ nhờ. Nếu không được, cháu sẽ sang nhà con bạn nhường phòng cho chú và anh đây.
Niên và Dự gật đầu. Hai người cùng cô gái sắp xếp đồ đạc hàng hoá của cô lên chiếc xe nhỏ và xúm vào đẩy về nhà trọ. Trên đường đi Niên gợi chuyện:
- Chắc quê cháu không ở đây?
- Dà, quê cháu mãi trong Quảng Ngãi cơ. Ba cháu đưa mẹ con cháu ra đây. Trước ở khu gia binh. Ba cháu tử trận, mẹ con cháu kẹt ở đây. Rồi mẹ cháu bị bắt đi cải tạo. Ngoại đem cháu về nuôi. Khi mẹ cháu hết thời gian cải tạo, mẹ lại đón cháu về đây thuê nhà ở để gần ba cháu. Năm ngoái mẹ cháu bịnh nặng rồi mất, cũng chôn ở ngay dưới chân núi kia. - Cô gái ngoái lại chỉ lên cao điểm ngày xưa - Cháu bán hoa quả ở đây để hương khói cho ba mẹ.
Niên biết người ta không cho mang bát hương người lạ vào nhà trọ nên cô gái này đành phải cúng cha mẹ ngoài đường. Ông thấy sống mũi cay cay.
- Ba cháu mất ở đâu? - Niên hỏi.
- Trên ngọn núi kia.
Niên giật mình. Trên ngọn núi kia, Niên biết chỉ diễn ra một trận đánh. Và bên kia, họ đã chủ động rút lui, duy một lính bị chết vì phải ở lại kìm chân quân Giải phóng. Ông hồi hộp:
- Cha cháu tên gì? Tử trận ngày nào?
Cô gái ngạc nhiên nhìn hai người:
- Răng chú hỏi kĩ dữ vậy? Cha cháu mất ngày mười hai tháng ba năm bảy lăm. Mẹ cháu nói thế. Còn tên ba cháu có nói chú cũng chả biết được mô.
Niên nói như vô thức:
- Cha cháu tên Huỳnh Đạt!
Cô gái dừng ngay xe lại, tiến đến đối diện sát mặt Niên. Ông nghe thấy cô thở hào hển, giọng đứt quãng:
- Răng?... Răng ông biết?
Niên cũng sững người. Đây là con Huỳnh Đạt! Y như thể đã có sự sắp xếp của cao xanh vậy. Anh Rư ơi! Nhẽ nào mơ là thật. Niên thong thả kể lại câu chuyện trận đánh ngày hôm ấy.
Cô gái tròn mắt nghe, nước mắt cô ròng ròng trên má. Dự phải vỗ vỗ vào vai cô để an ủi. Khi nghe đến đoạn hai cái xác tung lên trời thì cô khóc oà và dụi mặt vào vai Dự mà nức nở.
Đợi cô gái ngừng khóc Niên mới lựa lời:
- Sao mẹ cháu lại bị đưa đi cải tạo?
Cô gái cúi mặt ngượng ngùng. Một lát sau cô nói khẽ:
- Người ta vu cho mẹ cháu ngày xưa là điệp viên Phượng hoàng. Họ đặt điều vậy để trả thù vì mẹ đã không chịu nghe lời. Ôm con theo chồng đi suốt miền Trung trận mạc thì Phượng hoàng nỗi gì? Sau này mẹ kể lại cháu mới biết.
Niên cúi đầu thở dài.
Sáng hôm sau hai chú cháu lên núi đất. Cô gái nằng nặc xin đi cùng. Và điều tưởng như không thể đã xảy ra. Chỗ dốc đứng do đất lở cách đỉnh núi khoảng bốn chục mét nhô ra một cái hõm đất, ở đấy cỏ tranh mọc thưa thớt. Nhổ lớp cỏ là lớp mùn. Hai bộ xương người lẫn với nhau nhưng còn khá đầy đủ. Niên nhìn cái hộp sọ nhận ngay ra Rư. Nhìn thấy hai cái cẳng xương ống chân bị cắt cụt ông nhận ra đó là Huỳnh Đạt. Những bộ phận còn lại thì không thể phân biệt được là của ai. Mà cũng lạ, hơn hai chục năm đã qua mà các lóng xương vẫn khô trắng không hề bị mủn nát.
Hai thanh niên một nam một nữ nâng cái sọ của cha mình áp vào ngực. Hai hộp sọ hút ngay những giọt nước mắt như thể sa mạc khô hạn gặp những giọt mưa đầu tiên.

*

**

Hai người lính bịn rịn.
- Anh à… mai anh sẽ theo bạn và con trai về ngoài ấy rồi. Chắc bố mẹ anh mừng lắm.
- Anh cũng sắp được về gần con gái rồi. Con bé cũng rất mừng.
- Ôi giá chúng ta còn cảm giác để hưởng hạnh phúc nhỉ.
- Thôi, chúng ta đã chết rồi. Chỉ cần những người sống hạnh phúc là đủ.
Họ ôm lấy nhau. Hai thân thể vô hình nhập làm một.
Phía đông trời đã hửng. Những vạt mây đang ửng lên màu hồng và chỉ một lát sau chuyển thành màu trắng bạc hứa hẹn một ngày nắng đẹp. Từ cành xuyến chi ven đường nhịp nhàng bay lên hai cánh bướm. Chúng quyến luyến vờn bên nhau rồi khuất dạng.

*
* *


Bây giờ cách vạt đất lở không xa, một căn nhà nhỏ xinh xắn đang đầy ắp tiếng cười con trẻ. Từ giữa nhà khói trầm ngan ngát

Trại viết Tuyên Quang, tháng 10/2018

Nguồn:http://vannghequandoi.vn/van-xuoi/dat-lo_9070.html
 
Liên kết
Liên kết web
Video Clip
Thời tiết
HƯNG YÊN WEATHER
Lượt Truy Cập
Số lượt truy cập : 81299