Địa
danh trong thơ vừa là một khái niệm rộng, lại vừa là một khái niệm hẹp.
Rộng thì một vùng, một quốc gia, thậm chí cả hành tinh; còn hẹp, có thể
bao hàm phạm vi một tỉnh, một huyện, một xã, cũng có thể là một địa
điểm rất cụ thể. Nhưng bất luận rộng hẹp thế nào, địa danh ấy phải được
sử dụng trong thơ với chức năng mang nghĩa.
Khi nhà thơ Xuân Diệu viết: Trái đất ba phần tư nước mắt/ Đi như giọt lệ trong không trung thì
địa danh được nói tới ở đây là cả một hành tinh bao la mà chúng ta đang
sống, và nội dung “mang nghĩa” của địa danh này là cảm hứng vũ trụ rộng
lớn của nhà thơ trước sự hiện diện thiêng liêng của trái đất. Thơ
Nguyễn Đình Thi: Nước Việt Nam từ máu lửa/ Rũ bùn đứng dậy sáng lòa thì trong trường hợp này, tên gọi xác định địa danh trong mối quan hệ tương hợp (với các hình ảnh máu lửa, rũ bùn và sáng lòa) biểu hiện niềm kiêu hãnh về vị thế một dân tộc anh hùng. Thơ Tố Hữu: Nếu
tâm sự cùng ta, bạn hỏi/ Tiếng nào trong muôn ngàn tiếng nói/ Như nỗi
niềm nhức nhối tim gan?/ - Trong lòng ta hai tiếng: Miền Nam. “Hai
tiếng: Miền Nam” trong đoạn thơ trên được chuyển nghĩa từ địa danh của
một nửa đất nước quật cường, bất khuất trong cuộc kháng chiến chống Mĩ.
Nhà thơ Huy Cận viết: Nghìn năm sau lịch sử sẽ còn ghi/ Những năm tháng chiến tranh ác liệt/ Nghìn vạn chuyến xe đi/ Qua trái tim ngã ba Đồng Lộc.
Địa danh Đồng Lộc là một ngã ba cụ thể - ngã ba với nghĩa “trái tim” –
giữ mạch máu của con đường ra trận, đồng thời cũng là nơi giặc Mĩ đánh
phá với một kỉ lục về mức độ tàn khốc: ba quả bom lớn trên một mét
vuông. Đây cũng là nơi mười cô gái thanh niên xung phong huyền thoại đã
anh dũng hi sinh giữa tuổi thanh xuân khi “tất cả vì miền Nam phía
trước”.
2.
Vấn đề đặt ra ở đây là: địa danh trong thơ được hình thành một cách
ngẫu nhiên, được sử dụng nhằm xác định một tên đất, tên sông hay vì một
lí do nào khác?
Trước
hết, điều này xuất phát từ quy luật của hoạt động sáng tạo thơ. Khi
viết, nhà thơ thường dồn sức kết tinh thi cảm vào việc cá biệt hóa,
tuyệt đối hóa đối tượng của mình - thậm chí ngay từ thi đề của bài thơ.
Đó là những trường hợp như Thôi Hiệu với Hoàng Hạc lâu; Trương Hán Siêu với Bạch Đằng giang phú; Nguyễn Trãi với Côn Sơn ca; Hồ Xuân Hương với Quán Khánh, Động Hương Tích và Đèo Ba Dội; Hàn Mặc Tử với Đây thôn Vĩ Dạ; Xuân Diệu với Mã-pì-lèng và Mũi Cà Mau; Hoàng Cầm với Bên kia sông Đuống; Vũ Cao với Núi Đôi; Phạm Tiến Duật với Trường Sơn đông, Trường Sơn tây; Nguyễn Duy với Sông Thao, Hoàng Nhuận Cầm với Sông Thương tóc dài...
Thứ
hai, dù không được giới hạn từ thi đề, thì trong bài thơ, đặt vấn đề
biểu hiện trong mối quan hệ liên đới với địa danh - đấy cũng là một
phương cách để nhà thơ kí thác thông điệp của mình về đối tượng, với đối
tượng. Trường hợp này có tính phổ biến hơn, bởi nó luôn luôn ở dạng
thức mở - tức nó cho phép nhà thơ có thể nói tới nhiều cấp độ nội dung
trên cùng một tác phẩm, trong đó có việc “mã hóa” thông tin thẩm mĩ một
địa danh nào đó. Chẳng hạn, như thi đề, bài “Nhớ Bắc”, được nhà thơ
Huỳnh Văn Nghệ viết trong cuộc kháng chiến chống Pháp - tại chiến khu Đ
những năm 1946-1948, trên cơ sở thể hiện chủ đề chung, tác giả hướng nỗi
nhớ về chiều dài lịch sử dân tộc hào hùng, nhắc đến nhiều vùng văn hóa
trên đất bắc xa xôi, nhưng trong đó có đoạn: Từ độ mang gươm đi mở cõi/ Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long đã xác định nỗi niềm đau đáu về một kinh thành nơi địa linh của hào khí rồng bay. Hoặc trong bài Nước non ngàn dặm viết năm 1973, nhà thơ Tố Hữu đề cập rất nhiều nội dung, và dành riêng một đoạn: Trường Sơn, xẻ dọc, rọc ngang/ Xẻng tay mà viết nên trang sử hồng/ Trường Sơn, vượt núi, băng sông/ Xe đi trăm ngả, chiến công bốn mùa/ Trường Sơn, đông nắng, tây mưa/ Ai chưa đến đó, như chưa rõ mình.
Ngàn dặm nước non có Trường Sơn sừng sững của những năm tháng gian khổ
mà oanh liệt, có Trường Sơn chói ngời tinh thần thời đại. Việc đưa địa
danh vào thơ rõ ràng gắn liền với nhu cầu biểu hiện cảm xúc thẩm mĩ của
thơ. Bởi thế, người đọc có được một Bên kia sông Đuống tràn ngập nỗi niềm hoài niệm yêu thương, một sông Đuống gợi cảm nao lòng: Em ơi buồn làm chi/ Anh đưa em về sông Đuống/ Ngày xưa cát trắng phẳng lì// Sông Đuống trôi đi/ Một dòng lấp lánh/ Nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kì để từ sông Đuống, từ “trung tâm mang nghĩa” ấy, những nét văn hóa Kinh Bắc được kết nối, được vời vợi hồi quang. Về một phương diện nào đó, chữ sông Đuống
có thể làm sống dậy trong người đọc một bức tranh hiện thực có nghĩa,
bao gồm những địa danh liên hội nhiều giá trị như Đông Hồ với “màu dân
tộc sáng bừng trên giấy điệp”, như chợ Hồ, chợ Sủi với “Những cô hàng
xén răng đen. Cười như mùa thu tỏa nắng”... Cũng như vậy, đọc Tây tiến
của Quang Dũng – từ tên một đơn vị quân đội được thành lập năm 1947, có
nhiệm vụ phối hợp với quân đội Làochống quân đội của thực dân Pháp–
có thể được chuyển nghĩa thành một địa chỉ nỗi nhớ bao gồm Sài Khao với
“sương lấp đoàn quân mỏi”, Pha Luông với “mưa xa khơi”, Mường Hịch với
“cọp trêu người”, Mai Châu với “mùa em thơm nếp xôi”... Như thế, lớp
nghĩa cơ sở (nghĩa đen) của những địa danh trên (xác định một tên núi
tên sông hay tên một vùng đất) đã được cá biệt, được mã hóa bởi những
đặc điểm, tính chất, những ấn tượng cảm xúc riêng của nhà thơ (và tự lan
tỏa, bổ sung thêm trong mỗi người đọc) - và đôi khi, mỗi địa danh lại
bao hàm trong đó nhiều địa danh khác.
Gắn với nhu cầu biểu đạt của nhà thơ, các địa danh có xu hướng được “vĩnh cửu hóa”. Trong Bài thơ về hạnh phúc
của nhà thơ Bùi Minh Quốc, miền đất Duy Xuyên của Quảng Nam gắn với
những kỉ niệm đã được định hình - gắn với nỗi mất mát, hi sinh của một
“người em, đồng chí và đồng nghiệp” thân yêu: Thôi em nằm lại/ với đất lành Duy Xuyên/ trên mồ em có mùa xuân ở mãi/ trời chiến trường vẫn một sắc xanh nguyên.
Góp phần kiến tạo mạch nguồn cảm xúc của bài thơ, Duy Xuyên không chỉ
là tên một miền đất thuộc tỉnh Quảng Nam, cũng không riêng là địa chỉ
bàng hoàng chia biệt của nhà thơ; Duy Xuyên sống trong thiết tha thương
cảm của bao người. Tạm biệt sông Thao, nhà thơ Nguyễn Duy viết: Sông Thao thêm một lần tôi tắm/ thêm một lần tôi đến để rồi đi/ gió cứ thổi trống không ngoài bãi vắng/ tôi nhìn em để không nói năng gì.
Sông Thao trước lưu luyến chia xa không chỉ là một dòng sông chảy qua
tỉnh Phú Thọ, mà nó được gửi gắm vào đó một năng lượng tâm hồn, một
trống chênh hoài vọng, một khắc khoải nhớ nhung. Một dòng sông khác
trong thơ Hoàng Nhuận Cầm: Mai đành xa sông Thương thật thương/ Mắt nhớ một người, nước in một bóng/ Mây trôi một chiều, chim kêu một giọng/ Anh một mình náo động một mình anh.
Dòng sông Thương ấy, trong mối quan hệ ngữ nghĩa đồng âm, lại là đầu
mối cảm xúc tư duy liên tưởng về “một người”, “một bóng”, “một chiều”,
“một giọng” rất cụ thể và choáng ngợp trong hồn - và hơn thế, nó còn là
địa chỉ tạo nên hiệu ứng “Anh một mình náo động một mình anh”! Anh một
mình chìm đắm trong cô đơn rợn ngợp. Tưởng như dòng nước chỉ trong xanh
thăm thẳm bóng người, tưởng như tiếng chim mãi gọi bầy xao xác, tưởng
như áng mây còn ngác ngơ trong vời vợi khát mong, dòng sông im ắng mà
lòng anh dậy sóng. Không chỉ sông Thao như đã nói ở trên, sông Thương ở
đây đã được vĩnh cửu hóa “mặc định” vào những gam màu tâm trạng. Và có
khi, một mã (số) sóng điện thoại - một “địa danh ảo” trong mênh mông bát
ngát không trung cũng trở thành địa chỉ cá biệt của một nỗi niềm. Nhà
thơ Bế Kiến Quốc viết trong bài “Điện thoại đường dài”: Cho tới lúc một đầu dây đã cúp/ Anh đứng đó với niềm xa ngút/ Nghe nhớ thương trải trên núi sông/ Gọi thầm em: năm - bốn - bốn - ba - không.
Thông thường, con số 54430 sẽ mang một ý nghĩa khác, còn số máy điện
thoại 54430 (số điện thoại của một tòa soạn tuần báo có người riêng của
nhà thơ ở đấy) khi trở thành con số liên lạc qua một công sở, để đến với
một cá nhân thì nó đã trở thành một địa chỉ cụ thể để trao đổi, tâm
tình. Trong quan hệ với chủ thể của bài thơ, Bế Kiến Quốc đã mã hóa con
số tưởng như vô hình, vô tri vô giác ấy thành đối tượng hữu hình, thành
một sinh thể nghệ thuật với những tình cảm rất đỗi riêng tư. Con số -
“địa danh” khi ấy đã được chuyển thành “mã ngữ nghĩa” của đối tượng trữ
tình.
Địa
danh không chỉ là phương tiện để mã hóa đối tượng cảm xúc, địa danh còn
là nguyên cớ biểu hiện của thơ. Mượn hình tượng núi Đôi để thể hiện nỗi
bàng hoàng đau xót của anh bộ đội sau khi biết tin người yêu là du kích
hi sinh, nhà thơ Vũ Cao gợi lại những kỉ niệm thuở ban đầu thật thiết
tha, son sắt: Xuân Dục đoài, đông hai cánh lúa/ Bữa thì em tới, bữa anh sang...
Đó là hai địa danh (hai làng: Xuân Dục đoài và Xuân Dục đông), nhưng
đến khi mối quan hệ giữa hai người càng trở nên gắn bó thì mặc dù xa
cách, hai địa danh ấy đã được hòa làm một: Mỗi bận dân công về lại hỏi/ Ai người Xuân Dục, núi Đôi chăng?
Như thế, các địa danh trong “Núi Đôi”của Vũ Cao còn là ẩn dụ của hồi
hộp khát mong, ẩn dụ của canh cánh nỗi niềm? Nhiều trường hợp khác, địa
danh được nêu ra dưới hình thức tưởng chừng chỉ là sự liệt kê. Thơ Tố
Hữu: - Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam/ Hoa mơ lại nở, vườn cam lại vàng...//- Ai qua Phú Thọ/ Ai xuôi Trung Hà/ Ai về Hưng Hóa/ Ai xuống khu Ba/ Ai vào khu Bốn/ Đường ta đó, tự do cuồn cuộn/ Bốt đồn Tây đã cuốn sạch rồi!...
Nhưng thực ra các địa danh ở đây được nhắc tới như náo nức những tiếng
reo vui, niềm kiêu hãnh về những miền quê được giải phóng, về cuộc sống
được hồi sinh.
Có
những địa danh được thi vị hoá, được nhà thơ gắn với những phẩm chất
đặc trưng, tạo nên sự gặp gỡ kì thú không hẹn trước giữa người sáng tác
và người tiếp nhận. Thơ Quang Dũng: Sông Đáy chậm nguồn qua phủ Quốc/ Sáo diều khuya khoắt thổi đêm trăng. Sông
Đáy không chỉ chảy qua phủ Quốc, nhưng phủ Quốc dường như đã “phát
hiện” ra một sông Đáy nên thơ, từ đấy phủ Quốc gắn liền với nhận thức về
sông Đáy. Từ tưởng tượng về địa danh trong chủ quan tín ngưỡng của
mình, nhà thơ có thể gợi ra những nét tưởng tượng mới trong người đọc.
Thơ Hàn Mặc Tử: Sao anh không về chơi thôn Vĩ/ Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên/ Vườn ai mướt quá xanh như ngọc/ Lá trúc che ngang mặt chữ điền... Thi
sĩ bút danh họ Hàn đã thắp lên trong tâm trí bao người đọc những hình
dung về một thôn Vĩ tươi tắn, tinh khôi tràn đầy sức sống. Cũng có những
trường hợp, địa danh trong thơ là một kiểu địa danh do chính nhà thơ tự
sáng tạo ra, không nhất thiết tái hiện từ thực tiễn hay thi liệu sẵn
có, tựa như đặc trưng của nghệ thuật là “tính không lặp lại”. Đó là
trường hợp bến My Lăng trong thơ của Yến Lan: Bến My Lăng nằm không, thuyền đợi khách/ Rượu hết rồi, ông lái chẳng buông câu/ Trăng thì đầy rơi vàng trên mặt sách/ Ông lái buồn để gió lén mơn râu.
Cái bến không thể tìm ra trong thực tế ấy lại thật hơn là bến thật.
Phải chăng đó là cái thật của “không khí lạ lạ nhưng nhẹ nhàng dễ khiến
người ta thích” như nhận xét của Hoài Thanh - Hoài Chân trong Thi nhân Việt Nam?
Hoặc địa danh Thạch Nhọn trong Gửi em, cô thanh niên xung phong của nhà thơ Phạm Tiến Duật là một kiểu địa danh khác: Em ở Thạch Kim sao lại lừa anh nói là Thạch Nhọn/ Đêm ranh mãnh ngăn cái nhìn đưa đón... Thạch Kim là một vùng quê có thật thuộc tỉnh Hà Tĩnh, nhưng Thạch Nhọn
dường như là kết quả của lối chơi chữ vừa tinh nghịch vừa hóm hỉnh
thông minh, vừa tạo dấu ấn đặc biệt về một thế hệ thanh niên xung phong
anh hùng trong thời kì lịch sử hào hùng. Địa danh dù không có trong thực
tế hoặc chỉ do thực tế gợi ra, nhưng nhờ những sáng tạo ấy, gắn với
miền đất, vùng quê đã góp phần tạo nên tính sinh động đặc sắc của hình
tượng nghệ thuật, xác lập những lớp nghĩa mới mẻ, trường liên tưởng và
trở thành đối tượng tái hiện và thụ cảm nhận thức không chỉ riêng đối
với nhà thơ.
3.
Thơ là một thực thể cảm xúc, thực thể tâm hồn. Địa danh trong thơ được
hình thành do năng lực và nhu cầu mã hóa cảm xúc, cá biệt hóa hình tượng
nhằm chiếm lĩnh hiện thực của người sáng tác; và nhờ có hoạt động tiếp
nhận của người đọc mà những địa danh có một sức sống, tạo nên mối giao
cảm tâm hồn, trở thành đầu mối của nguồn ánh sáng liên hội trong “miền
sáng thẩm mĩ” từ hình tượng trung tâm mà tác phẩm gợi ra; vì thế nó có
một đời sống riêng, với một trữ lượng cảm xúc - trữ lượng tâm hồn
riêng./.