CHUNG TAY CẢI CÁCH THỦ TỤC HÀNH CHÍNH CÔNG KHAI - MINH BẠCH - CHÍNH XÁC - HIỆU QUẢ VĂN MINH - THÂN THIỆN - TRÁCH NHIỆM LÂY NGƯỜI DÂN VÀ DOANH NGHIỆP LÀM TRUNG TÂM ĐỂ PHỤC VỤ; SỰ HÀI LÒNG CỦA NGƯỜI DÂN, DOANH NGHIỆP LÀ THƯỚC ĐO CHẤT LƯỢNG VÀ HIỆU QUẢ PHỤC VỤ CỦA CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC VÀ CƠ QUAN NHÀ NƯỚC
  22/10/2021     |  Lượt xem 81   

Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc

(ĐCSVN) - Đồng chí Nguyễn Văn Linh để lại trong ký ức của mỗi chúng ta những ấn tượng vô cùng sâu sắc, tốt đẹp, lòng kính trọng và sự ngưỡng mộ đối với một nhân cách lớn, một nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh; là niềm tự hào của toàn Đảng, toàn dân, được rất nhiều bạn bè quốc tế và các Đảng anh em kính trọng, nể phục.

Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh với các đại biểu dự Đại hội VI của Đảng, tháng 12/1986.
(Ảnh: TTXVN)

Đồng chí Nguyễn Văn Linh sống và hoạt động trọn trong thế kỷ XX, thuộc thế hệ đầu tiên trong lịch sử oanh liệt của Đảng ta.Đồng chí đã dâng hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc với biết bao thử thách cam go trong cuộc đấu tranh chống đế quốc thực dân vì độc lập dân tộc, lại trải nghiệm qua thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội sau khi miền Nam được giải phóng, Tổ quốc được thống nhất, với những khó khăn, phức tạp của thời khủng hoảng và đưa đất nước vượt qua những thử thách hiểm nghèo trong những năm đầu đổi mới, khi hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới tan rã, chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ.

Giữa những khúc quanh nghiệt ngã đó của lịch sử, trên cương vị người lãnh đạo cao nhất của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh - Tổng Bí thư đầu tiên của thời kỳ đổi mới đã đứng mũi chịu sào, cùng với tập thể lãnh đạo Trung ương sáng suốt và bình tĩnh, mưu lược và dũng cảm, dày dạn kinh nghiệm và nêu cao bản lĩnh chính trị, đưa đất nước từng bước thoát ra khỏi khủng hoảng, thực hiện Nghị quyết lịch sử của Đại hội VI, đưa sự nghiệp đổi mới tiến lên.

Thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử đó của toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo sáng suốt, đúng đắn của Đảng, có dấu ấn nổi bật của đồng chí Tổng Bí thư tài năng, đức độ, quả quyết, mà tên gọi của đồng chí đã từng là biểu tượng tốt đẹp cho sự nhất quán giữa Nói và Làm (N.V.L).

Sinh trưởng ở miền Bắc nhưng gần cả cuộc đời, đồng chí Nguyễn Văn Linh sống và hoạt động ở miền Nam, gắn bó sâu nặng với phong trào cách mạng và đồng bào, đồng chí ở miền Nam. Đồng chí đã đảm nhận những công việc quan trọng trong gây dựng cơ sở và phong trào cách mạng ở Xứ ủy miền Trung, rồi hoạt động ở miền Tây Nam Bộ. Vốn sống và kinh nghiệm thực tiễn phong phú, sự hiểu biết thấu đáo tình hình và cuộc sống của các tầng lớp nhân dân, nhất là dân nghèo ở nông thôn, lại dày công tự học, tích lũy tri thức lý luận trong thực tiễn…, đã tạo nên vốn văn hóa chính trị phong phú và phong cách lãnh đạo Nguyễn Văn Linh, gợi mở nhiều điều quý giá, thiết thực cho mỗi chúng ta học tập, noi theo trong thực tiễn đổi mới hiện nay.

Gần dân, tin dân, bám sát cơ sở, lắng nghe tiếng nói của đồng bào, đồng chí ở cơ sở, thiết thực và cụ thể trong mỗi suy nghĩ và hành động; đồng thời, biết tổng kết và khái quát hóa từ thực tiễn để vạch phương hướng, chủ trương đúng, từ tầm nhìn chiến lược mà thấy rõ xu hướng và triển vọng của tình hình phát triển đất nước, lại thường xuyên kiểm chứng trong thực tiễn để xem xét độ tin cậy, tác dụng và hiệu quả của mỗi chính sách, quyết sách, giải pháp đã đề ra -đó cũng là phương pháp khoa học, phong cách dân chủ trong lãnh đạo mà đồng chí Nguyễn Văn Linh thể hiện nhuần nhuyễn.

Có thể nói, trên tư cách một nhà lãnh đạo, nhà hoạt động chính trị - xã hội nổi tiếng, ở cương vị Bí thư Trung ương Cục, Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam thời chống Mỹ đầy oanh liệt, gian khổ, hy sinh, lại nhiều lần và trong nhiều năm là người lãnh đạo cao nhất của Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh thời kỳ chuyển tiếp từ chiến tranh sang hòa bình, từ cơ chế cũ sang cơ chế mới vô cùng phức tạp ở thời điểm bên thềm đổi mới, khó khăn chồng chất khó khăn bởi lạm phát và khủng hoảng cho đến khi trở thành người lãnh đạo cao nhất của Đảng, đất nước bước vào đổi mới với biết bao thử thách hiểm nghèo…, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã làm hết sức mình cùng tập thể Bộ tham mưu đưa phong trào cách mạng vượt qua nhiều bước ngoặt, giữ vững phương hướng, từng bước đạt tới thành công.

Thực tiễn xác nhận, nhân dân tin tưởng, đất nước ổn định và phát triển - đó là những minh chứng đầy tin cậy về năng lực và bản lĩnh lãnh đạo của Đảng ta mà đồng chí Nguyễn Văn Linh đã có những cống hiến xuất sắc, góp phần làm nênthành tựu đáng tự hào của toàn dân và toàn Đảng. Điểm nổi bật trong hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Văn Linh mà chúng ta hết sức trân trọng và ra sức học tập, noi theo, làm theo vào lúc này là quan điểm và phương pháp dân vận, xuất phát từ tấm lòng thương dân, từ niềm tin vào sức mạnh sáng tạo to lớn của dân để luôn gần dân, trọng dân, để mục đích cao cả vì dân dẫn dắt hành động và lối sống hằng ngày, trong mỗi việc làm lớn, nhỏ, trở thành một nhu cầu văn hóa.

Đồng chí không chỉ nêu gương thực hành dân vận, thực hành dân chủ và đoàn kết, thực hành đạo đức cách mạng mà còn hết sức coi trọng bồi dưỡng, giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên theo những thực hành đó. Đó là những việc làm thiết thực nhất để giữ vững và củng cố bền chặt mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với dân, giữa dân với Đảng, Đảng vì dân nên dân tin Đảng, theo Đảng. Cội nguồn sức mạnh làm nên thắng lợi là ở đó. Đảm bảo tốt nhất cho khả năng “cách mạng có sức mạnh tự bảo vệ từ lòng dân, sức dân” cũng là ở đó. Đây cũng là một tư tưởng lớn của Hồ Chí Minh “dựa vào dân mà xây dựng Đảng”, “dân vận đúng và khéo việc gì cũng xong, khó mấy cũng làm được vì có dân giúp sức, dân vận kém và dở, việc có dễ mấy cũng không thành vì không được dân ủng hộ”.

Là học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Nguyễn Văn Linh nêu một tấm gương sáng cho chúng ta noi theo, làm theo bởi trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình đã “dĩ công vi thượng”, “thân dân và chính tâm”, “làm điều lợi cho dân, tránh điều hại tới dân”, nhờ đó được dân tin, dân phục, dân yêu. Cũng nhờ đó, quy tụ sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, phát huy trí tuệ tập thể, nhất là hạt nhân lãnh đạo, biết lắng nghe, biết chờ đợi, biết thuyết phục, lãnh đạo bằng sự gương mẫu là cách lãnh đạo tốt nhất, nói ít làm nhiều, chủ yếu là hành động, lời nói đi đôi với việc làm, đã nói là làm, có làm được thì mới nói, một tấm gương sống còn quý hơn hàng trăm bài diễn văn.

Những chỉ dẫn thiết thực và sâu sắc đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được đồng chí Nguyễn Văn Linh thấm nhuần và thực hiện bằng tất cả tâm huyết và trách nhiệm. Phong cách lãnh đạo đó của đồng chí Nguyễn Văn Linh, nhất là trong nhiệm kỳ mở đầu công cuộc đổi mới khi đồng chí đảm nhận trọng trách Tổng Bí thư, có thể nói, đã góp phần hình thành văn hóa chính trị của Đảng lãnh đạo và cầm quyền.Ở đó có sự kết hợp giữa khoa học (lý luận) với Đạo đức, Dân chủ,Đoàn kết và Đồng thuận để Ý Đảng - Lòng Dân - Phép Nước tạo thành sức mạnh hành động.

Đóng góp của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh là to lớn, mãi mãi còn có giá trị và ý nghĩa lâu dài, thể hiện trên cácphương diện chủ yếu sau đây:

Thứ nhất, là người đề xướng và tổ chức thực hiện những thử nghiệm cải cách cơ chế, chính sách quản lý kinh tế trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh khi giữ trọng trách Bí thư Thành ủy; đề xuất với Tổng Bí thư Trường Chinh và lãnh đạo Trung ương tổ chức khảo sát thực tiễn, tổng kết từ những sáng kiến, những cách làm hay ở địa phương và cơ sở để tìm ra đột phá và hình thành đường lối đổi mới ở Đại hội VI.

Thứ hai, tham gia cùng tập thể Bộ Chính trị sửa chữa, bổ sung và hoàn thiện dự thảo Báo cáo Chính trị trên tinh thần, quan điểm đổi mới dẫn đến quyết sách đổi mới có tầm vóc lịch sử ở Đại hội VI. Một ấn tượng khó quên đối với câu nói nổi tiếng của đồng chí Nguyễn Văn Linh “hãy tự cứu lấy mình trước khi trời cứu”. Trước khi là Tổng Bí thư, tháng 6 năm 1983, đồng chí đã từng nói với các cán bộ lãnh đạo và anh chị em công nhân nhà máy dệt Phước Long như vậy. Sau này, khi đã là Tổng Bí thư, đồng chí cũng nói như vậy với anh chị em trí thức, văn nghệ sỹ và các nhà hoạt động văn hóa ngày 6, 7/10/1987.

Đó là thể hiện tính chủ động, sáng tạo, phải vượt lên hoàn cảnh, có tác dụng cổ vũ, khích lệ tư tưởng đổi mới, hành động đổi mới rất to lớn. Nhớ lại, lúc đổi mới còn đang ấp ủ, manh nha, cái mới như một mầm non mới nhú, tại hội nghị Đà Lạt, Tổng Bí thư Trường Chinh, khi đánh giá cao những nhân tố mới từ thực tiễn miền Nam và ở thành phố Hồ Chí Minh đã bày tỏ niềm hy vọng: “Trong sa mạc đã có chòm cây xanh”, đã khẳng định đổi mới là vô cùng cần thiết và bức xúc.

Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã không chỉ một lần nhấn mạnh, đổi mới là cơ may ngàn vàng, là cơ hội lớn để phát triển, quyết không thể bỏ lỡ.

Thứ ba, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh là người sớm nhận rõ vai trò của lý luận trong đổi mới, nói đổi mới tư duy, điều căn bản là đổi mới tư duy lý luận; cũng là người đã hình dung rất rõ ràng những nội dung và yêu cầu của đổi mới - đổi mới tư duy, đổi mới phương pháp và phong cách cùng với đổi mới tổ chức bộ máy, thể chế, cơ chế, chính sách và cán bộ.

Tổng Bí thư đòi hỏi, có thật sự đổi mới tư duy và phong cách mới hiểu được thực chất hiện trạng, phân biệt được rõ ràng đúng, sai, phát huy được nhân tố tiến bộ, gạt bỏ được sai lầm. Và điều rất quan trọng là, muốn đổi mới tư duy, hình thành năng lực tư duy lý luận khoa học phải chống chủ nghĩa kinh nghiệm hời hợt trong nhận thức, trong suy nghĩ chủ quan, bảo thủ, giáo điều, tách rời lý luận với thực tiễn.

Cũng theo Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, để tiến hành công cuộc đổi mới ở bất cứ lĩnh vực nào cũng phải chuẩn bị trước về cơ sở lý luận. Sự khám phá lý luận phải là tiền đề và điều kiện cơ bản, là cơ sở cho đổi mới trong hoạt động thực tiễn.

Thứ tư, ở cương vị Tổng Bí thư, đồng chí Nguyễn Văn Linh đặc biệt coi trọng công tác xây dựng Đảng về mọi mặt, thấy rõ vấn đề cốt yếu của xây dựng Đảng là phải nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng. Phát biểu tại Hội nghị Trung ương 5 (khóa VI), đồng chí nhấn mạnh: “Đảng phải nghiêm túc soát xét lại mình với tinh thần phê phán sâu sắc, siết chặt lại đội ngũ, tăng cường tính giai cấp, tính tiền phong để giữ được vai trò hạt nhân lãnh đạo toàn xã hội, đưa sự nghiệp đổi mới tiến lên”. Đặc biệt có giá trị là luận điểm sau đây: “Muốn đổi mới xã hội, trước hết Đảng phải tự đổi mới, phải tiến hành cuộc cách mạng về công tác xây dựng Đảng, vì Đảng là hạt nhân lãnh đạo toàn xã hội”.

Đồng chí đòi hỏi trong Đảng phải phê phán quyết liệt bệnh quan liêu, vô trách nhiệm, thói tham lam, ích kỷ, thèm khát đồng tiền, sống vô nguyên tắc, chỉ biết luồn lọt, nịnh bợ để có danh, có lợi. Đọc lại những lời này vào thời điểm hiện nay, ta vẫn thấy lời cảnh báo sâu sắc của Tổng Bí thư đầu tiên của đổi mới vẫn còn nguyên tính thời sự.

Trên thực tế, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã nêu ra quan điểm toàn diện trong xây dựng Đảng, không chỉ là tư tưởng - chính trị - tổ chức mà còn là lý luận, đạo đức, lối sống và nhân cách Cộng sản của cán bộ, đảng viên của Đảng cầm quyền.

Thứ năm, giữ vững phương hướng chính trị, bảo đảm tôn trọng nguyên tắc; không phạm sai lầm về quan điểm, nguyên tắc là điều tối hệ trọng đối với sinh mệnh của Đảng cách mạng cầm quyền. Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã quan tâm đặc biệt tới yêu cầu đó với sự sáng suốt chính trị cần thiết, hành động kịp thời để Đảng không chệch hướng, đổi mới không chệch hướng ở thời điểm bước ngoặt.

Nhiệm kỳ khóa VI là nhiệm kỳ đầu của đổi mới với dồn dập những sự kiện, tình huống phức tạp từ thế giới dội vào, nhất là khi phong trào cách mạng thoái trào, trật tự thế giới thay đổi, khuynh hướng đa nguyên đa đảng xuất hiện, tấn công vào sự lãnh đạo của Đảng, thẩm thấu vào trong đời sống của Đảng. Biểu hiện nổi bật cho lập trường nguyên tắc tính Đảng của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh là sự chỉ đạo xây dựng Cương lĩnh đúng lúc, kịp thời, ở thời điểm đổi mới chỉ vừa mới bắt đầu, tình thế hiểm nghèo xuất hiện khi Liên Xô, Đông Âu đổ vỡ thể chế, hàng loạt các Đảng Cộng sản tan rã, mất vai trò cầm quyền.

Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, trong lần sang thăm Liên Xô ở thời điểm kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Mười (1917 - 1987) đã thẳng thắn cảnh báo sai lầm có tính nguyên tắc mà Goóc-ba-chốp và Ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Liên Xô mắc phải khi xóa bỏ điều 6 trong Hiến pháp về địa vị lãnh đạo của Đảng. “Với tư cách một người Cộng sản, tôi có thể chân thành nói với đồng chí rằng, đây là một sai lầm nghiêm trọng, sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường, không chỉ đối với Liên Xô”. Thực tiễn đã minh chứng tính đúng đắn của nhận định và tiên liệu đầy mẫn cảm sáng suốt đó của đồng chí Tổng Bí thư của Đảng ta.

Bản Cương lĩnh của Đảng được chuẩn bị khẩn trương công phu dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh khi mà đổi mới mới chỉ bắt đầu được ba năm, khi khủng hoảng trong nước và trong cả hệ thống xã hội chủ nghĩa đang rất trầm trọng, khi cải tổ ở Liên Xô đã chệch khỏi phương hướng, kết cục là thất bại và đổ vỡ. Cương lĩnh thực sự là một tuyên bố chính trị đúng đắn và sáng suốt của Đảng, là ngọn cờ tập hợp lực lượng, thống nhất nhận thức, ý chí và hành động của toàn Đảng, toàn dân. Giá trị và ý nghĩa của bản Cương lĩnh là ở chỗ, Cương lĩnh đã thể hiện rõ lập trường, quan điểm của Đảng, kiên định lý tưởng và con đường xã hội chủ nghĩa của sự phát triển nước ta, đổi mới có nguyên tắc, giữ vững bản chất khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin, của tư tưởng Hồ Chí Minh, thể hiện bước đầu sự trưởng thành tư duy lý luận của Đảng về chủ nghĩa xã hội và xây dựng chủ nghĩa xã hội trong thực tiễn đổi mới.

Nhờ có Cương lĩnh, Đảng ta và cách mạng Việt Nam đã đứng vững trong thời điểm thử thách ngặt nghèo. Những ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh trong soạn thảo và thông qua Cương lĩnh, sau gần 30 năm qua, nay đọc lại vẫn thấy ở đó tầm nhìn chiến lược, tư duy sáng tạo và quan điểm thực tiễn, có tính chỉ dẫn phương pháp luận quan trọng cho chúng ta hiện nay. Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh nhấn mạnh: Lúc này chúng ta chưa có đủ cơ sở để vạch ra toàn bộ bức tranh của xã hội tương lai một cách hoàn chỉnh. Nhưng căn cứ vào những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, căn cứ vào thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta, đặc biệt từ Nghị quyết Đại hội VI và thực tiễn đổi mới xã hội ta hơn ba năm qua, chúng ta có thể vạch ra những nguyên tắc và phương hướng lớn cho thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Đó là điều có thể làm được. Sau này, khi thực tiễn đã bộc lộ những vấn đề mới, qua tổng kết, Cương lĩnh sẽ không ngừng được bổ sung và hoàn chỉnh từng bước. Chúng ta không cầu toàn chờ cho đến khi có đầy đủ mọi điều kiện mới viết Cương lĩnh, trên thực tế điều đó không bao giờ xảy ra.

Cùng với Cương lĩnh, dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, Bộ Chính trị khóa VI đã trình Trung ương tại Hội nghị Trung ương 9, khóa VI, 1990 để Trung ương ra hai Nghị quyết quan trọng:

- Về tình hình các nước xã hội chủ nghĩa, sự phá hoại của chủ nghĩa đế quốc và nhiệm vụ cấp bách của Đảng ta.

- Về đổi mới công tác quần chúng của Đảng, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân.

Đây là hai Nghị quyết có tầm quan trọng đặc biệt, ra đời kịp thời, đúng lúc, có tác dụng giữ vững phương hướng chính trị, củng cố mối liên hệ mật thiết giữa Đảng với dân trong thời điểm xảy ra nhiều sự biến ở Liên Xô và Đông Âu, thời điểm của những thử thách ngặt nghèo. Điều đó, một lần nữa cho thấy sự nhạy bén chính trị, bản lĩnh giữ vững nguyên tắc, kiên định đường lối đổi mới của Đảng ta. Nó có ảnh hưởng quyết định đến thắng lợi của đổi mới ở giai đoạn mở đầu, đặt cơ sở cho đổi mới đúng đắn của Đảng trong những giai đoạn tiếp theo. Tạo ra những kết quả đó, có đóng góp to lớn của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh.

Thứ sáu, trong nhiệm kỳ Đại hội VI, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã sớm xác định “dân là gốc”, là người có công đầu trong xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, dân chủ có nguyên tắc, có lãnh đạo, thực hiện nghiêm chỉnh nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng; xác định rõ vai trò chủ thể của dân, nhấn mạnh “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, coi dân chủ là động lực quan trọng thúc đẩy đổi mới và phát triển. “Để dân chủ trở thành lực đẩy sự nghiệp cách mạng phải phát huy quyền làm chủ của nhân dân lao động, thực hiện đúng đắn dân là gốc, thực hiện dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.

Phát biểu này của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh tại Hội nghị Trung ương 7, khóa VI (8/1989), gần 10 năm sau đã trở thành nội dung cốt lõi của quy chế dân chủ ở cơ sở và sau đó là Pháp lệnh dân chủ cơ sở (1998, 2007).

Thứ bảy, một dấu ấn đặc biệt không chỉ nói lên đường hướng của tư duy và tư tưởng, tầm chiến lược của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh mà còn thể hiện đậm nét phong cách hành động, nói đi đôi với làm, dân chủ, công khai minh bạch, quyết tâm đổi mới, ra sức cổ vũ, khẳng định cái mới, bảo vệ cái mới, phê phán gay gắt, quyết liệt những tiêu cực, tệ nạn, suy thoái và tha hóa trong Đảng, khi vạch ra “Những việc cần làm ngay”, phê phán “sự im lặng đáng sợ”.

Đó là sự kiện ngày 25/5/1987, xuất hiện trên trang nhất báo Nhân Dân, bài viết với bút danh N.V.L về “Những việc cần làm ngay” gần 400 chữ, đánh dấu sự ra đời một chuyên mục mới nổi tiếng trên báo Nhân Dân.

Đồng chí đã kiên định theo phương châm và cách làm đó, mà mục đích, động cơ cao cả chỉ vì dân, vì đổi mới;ngày 10/7/1987, xuất hiện bài trả lời của N.V.L về bài báo “Những việc cần làm ngay”. Bài dài tới 2.400 chữ, nói rõ thái độ kiên quyết chống tiêu cực, tin vào sức mạnh của dân, của dư luận xã hội lành mạnh tích cực, cho dù cũng có những ý kiến, những tiếng nói không đồng tình, kể cả cán bộ cao cấp. Chúng ta có thể học tập Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh từ việc này, từ động cơ, thái độ, đức tin, tinh thần trách nhiệm và bản lĩnh. Phong cách hành động, phong cách dân chủ, phong cách quần chúng của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh qua sự kiện này cần được nhắc lại để chúng ta học tập, noi theo, làm theo trong tình hình hiện nay.

Hàng trăm bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh thực sự là một tài liệu quý, tạo ra xung lực tinh thần cho chúng ta trong đổi mới hướng tới sự tốt đẹp, tích cực, phát triển.

Thứ tám, một nét đẹp trong văn hóa nhân cách của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh là sự ứng xử chân thành và tinh tế dành cho trí thức và văn nghệ sỹ. Là người lãnh đạo cao nhất của Đảng trong nhiệm kỳ đầu của đổi mới, đồng chí luôn tỏ rõ tấm lòng quý mến, trân trọng đối với trí thức, văn nghệ sỹ - những người lao động trí óc sáng tạo, sản xuất ra các giá trị tinh thần.

Chúng ta còn nhớ, tại một cuộc gặp mặt thân mật với giới trí thức, văn nghệ sỹ thành phố Hồ Chí Minh ở Hội Văn học nghệ thuật, đồng chí nói:

- Phải có quan điểm đúng, nhìn sự vật đúng.

- Phải có tấm lòng trong sáng, vì ích nước lợi dân mà viết, mà vẽ, mà làm phim ảnh.

- Phải đi thực tế, luôn luôn gắn bó với đối tượng miêu tả. Thoát ly quần chúng, nhất là nhân dân lao động thì không thể có tác phẩm tốt.

- Tài năng nghệ thuật là quý hiếm, ngoài năng khiếu bẩm sinh phải có tôi luyện lâu dài. Sự sáng tạo trong nghệ thuật là cực kỳ quan trọng. Tác phẩm dù viết đúng đắn đến đâu nhưng nếu không gây được xúc động, không có tính nghệ thuật thì có cũng như không vì không đi vào tâm trí người đọc.

- Càng có tài càng phải khiêm tốn. Khiêm tốn chỉ được thôi chứ không mất gì. Mới có ít thành công mà đã kiêu ngạo là hỏng, thui chột tài năng.

Năm điều căn dặn đó của đồng chí rất đỗi chân thành, thẳng thắn, hiểu việc, hiểu người, chú trọng cả tài và đức. Thật là giản dị, sâu sắc và có sức thuyết phục.

Đặc biệt có ý nghĩa khi Tổng Bí thư nhắc nhở văn nghệ sỹ - những người cầm bút, chia sẻ và đồng cảm với họ về nhu cầu tự do sáng tạo. Phải tự chặt chẽ với mình, khi thấy mình là đúng, có ý thức xây dựng thì phải kiên quyết bảo vệ chân lý, phải dũng cảm. Dù thế nào cũng không nên uốn cong ngòi bút. Phải nhớ câu của Bác, “Nay ở trong thơ nên có thép”. Thép đó là tinh thần cách mạng, không tô hồng, không bôi đen -đó là lời căn dặn làm tốt thiên chức nghệ sỹ và trách nhiệm công dân.

Trên đây là những điểm chính yếu nói lên tài năng, đức độ và bản lĩnh của nhà lãnh đạo kiên trung, sáng tạo Nguyễn Văn Linh, vừa cho thấy đóng góp to lớn của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đối với sự nghiệp cách mạng và công cuộc đổi mới, vừa phản ánh nhân cách cao đẹp của nhà lãnh đạo được đông đảo đồng bào, đồng chí kính trọng, ngưỡng mộ và yêu quý.

Nhân dịp kỷ niệm ngày sinh lần thứ 100 của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, chúng ta với tất cả lòng thành kính và biết ơn công lao của đồng chí đã trọn đời vì Nước, vì Dân, vì Đảng, vì lý tưởng cao quý độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, nguyện học tập và làm theo tấm gương của đồng chí để đưa sự nghiệp đổi mới tiến lên phía trước, để xây dựng chỉnh đốn Đảng, làm cho Đảng trong sạch vững mạnh, xứng đáng với niềm tin cậy của nhân dân.

Đó là tấm gương tự học, tự rèn luyện suốt đời, bất luận trong hoàn cảnh nào, với những thử thách cam go nào cũng vượt lên, giữ trọn niềm tin và lòng trung thành với lý tưởng, với dân tộc và nhân dân. Đó là tấm gương kiên định lập trường quan điểm, quyết tâm đổi mới, hành động sáng tạo, nói đi đôi với làm, làm tất cả những gì có thể làm được vì hạnh phúc của nhân dân. Đó còn là tấm gương về sự hài hòa lý trí và tình cảm, trung thành với những nguyên tắc và giá trị đã lựa chọn, lại linh hoạt, mềm dẻo, sáng tạo trong phương pháp, ứng xử tinh tế và chân thành, thẳng thắn, nghiêm khắc và bao dung độ lượng. Đó thực sự là một nhà lãnh đạo dạn dày kinh nghiệm, có vốn tri thức và vốn sống phong phú, có tầm tư tưởng chiến lược, dự cảm sáng suốt và một tấm lòng nhân hậu.

Đất nước đang tiếp tục chuyển mình với những bước ngoặt lớn để phát triển bền vững và hiện đại hóa, sau một chặng đường gần ba thập kỷ đổi mới.Đổi mới càng đi vào chiều sâu, độ lùi thời gian càng xa, ta càng thấm thía bước khởi đầu đổi mới ở Đại hội VI, Đại hội gắn liền với tên tuổi, sự nghiệp của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh. Đó là niềm tự hào của chúng ta, là sự cổ vũ thúc đẩy chúng ta trên con đường đi tới thắng lợi./.

Nguồn: Báo điện tử Đảng Cộng Sản Việt Nam.

 
Liên kết
Liên kết web
Video Clip
Thời tiết
HƯNG YÊN WEATHER
Lượt Truy Cập
Số lượt truy cập : 98198