Thị trấn Như Quỳnh nằm ở cửa ngõ phía Tây Bắc huyện Văn Lâm, phía bắc giáp các xã Dương Xá, Dương Quang (Gia Lâm Hà Nội); phía Nam giáp xã Đình Dù; phía Đông giáp xã Lạc Đạo; phía tây giáp xã Tân Quang
Mảnh đất Như Quỳnh xưa nằm trong lưu vực sông Hồng, sông Đuống nên đất đai phì nhiêu, màu mỡ, có 2 con sông Ghênh và sông Khoai nối thông với sông Kim Ngưu ra sông Hồng, sông Đuống rất thuận lợi cho việc phát triển cây lúa nước, làm rau màu, trồng cây công nghiệp và cây ăn quả đặc biệt là phát triển cây nhãn.
Dọc xã từ Tây Bắc sang Đông Nam, có 6km đường sắt và 2km đường 5A chạy song song từ km16+100 đến ngã tư ga Đình Dù. Xã Như Quỳnh là xã duy nhất trong huyện có 2 đường giao thông chiến lược từ Hà Nội đi Hải Phòng chạy qua. Trước đây, trên đường 5 và đường sắt chạy qua xã còn có nhà ga, bến xe ô tô. Bây giờ, xã chỉ còn bến ô tô Như Quỳnh và cách xã độ 3km về phía Hà Nội có ga Phú Thụy. Giữa xã, chảy từ Tây sang Đông, có con sông Ghênh, nay là nhành chính của hệ thống Đại thủy nông Bắc Hưng Hải. Trên bờ sông Ghênh có hai trạm bơm điện Nam Bắc Ninh và Văn Lâm, bảo đảm nước phục vụ sản xuất của huyện Văn Lâm, Gia Lâm, Thuận Thành, Gia Lương. Qua sông Ghênh có cầu Ghênh trên đường sắt và đường 5 và một số cây cầu nhỏ nối liền giữa các thôn xóm trong xã. Thuyền bè có sức chở 10- 20 tấn có thể đi lại trên sông
Xã có chiều dài là 7,3km, chiều rộng là 1,9km. Diện tích tự nhiên là 651,6ha. Diện tích đất canh tác là 396,93ha. Năm 1986, toàn xã có 1.916 hộ với 250 nhân khẩu làm nghề buôn bán, còn lại là các hộ xã viên hợp tác xã nông nghiệp Như Quỳnh, Trước cách mạng tháng 8 năm 1945, xã chỉ có 1.100 hộ với khoảng 3.200 nhân khẩu. Từ năm 1945 đến năm 1986 số hộ tăng gần gấp đôi, số dân tăng 2,6 lần. Bình quân ruộng đất cho một nhân khẩu trước cách mạng tháng 8 năm 1945 là 1.240m2, tới năm 1986 chỉ còn 460m2
Xã Như Quỳnh là xã đông dân, ruộng đất canh tác đã ít, lại có xu hướng giảm về mức bình quân. Theo các tư liệu trên các văn bia và sử sách thì trên mảnh đất Như Quỳnh cha ông ta đã định cư từ rất sớm
Tên gọi mảnh đất Như Quỳnh ngày nay cũng biến động, thay đổi qua các triều đại. Chúng ta chưa có điều kiện sưu tầm làm rõ. Sách "Tên làng xã Việt Nam đầu thế kỷ 19" cho biết các thôn xã hiện nay nằm trong tổng Như Kinh thuộc huyện Gia Lâm, phủ Thuận An, xứ Kinh Bắc.
Năm 1821, dưới triều Nguyễn, vua Minh Mạng cho đổi tổng Như Kinh thảnh tổng Như Quỳnh.
Tổng Như Quỳnh, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên trước năm 1945 gồm 5 xã:
Xã Như Quỳnh có 4 thôn: Thôn Ngọc Quỳnh, Lê Xá, Đường Cố và Trung Lê
Xã Ngô Xuyên có 5 xóm: xóm Đình, xóm Đoài, xóm Gạo, xóm to và xóm Buộm
Xã An Xuyên có 2 xóm: xóm Vỏ, xóm Dinh
Xã Ngọ Cầu có 3 xóm: xóm Trên, xóm Nhãn, xóm Đình
Xã Hành Lạc có 4 xóm: Lưu Xá, Vườn Quan, Ngõ Cả, Ngõ Hoàn
Đầu năm 1946, các xã Như Quỳnh và Ngô Xuyên sáp nhập thành xã Kinh Xuyên; xã An Xuyên và xã Ngọ Cầu sáp nhập thành xã Minh Khai; xã Hành Lạc sáp nhập vào xã Lạc Hồng.
Đầu năm 1948, xã Kinh Xuyên và xã Minh Khai sáp nhập thành xã Tiền Tiến. Cuối năm 1949, thôn Hành Lạc tách khỏi xã Lạc Hồng, sáp nhập về Xã Tiền Tiến.
Năm 1974, xã Tiền Tiến đổi tên là xã Như Quỳnh thuộc huyện Văn Lâm, tháng 3 năm 1977 thuộc huyện Mỹ Văn tỉnh Hải Hưng có 5 thôn và 1 phố là các thôn Như Quỳnh, Ngọc Quỳnh. Ngô Xuyên, Hành Lạc, Minh Khai và Phố Như Quỳnh (được hình thành từ năm 1948)
Ngày 24 tháng 2 năm 1997, xã Như Quỳnh được chính phủ ban hành nghị định số 17/NĐ- CP về việc thành lập thị trấn Như Quỳnh thuộc huyện Mỹ Văn, tỉnh Hưng Yên trên cơ sở toàn bộ diện tích và dân số của xã Như Quỳnh.
Hiện nay thị trấn Như Quỳnh nằm trên Quốc lộ 5 cách trung tâm thành phố Hà Nội 18 km, cách thành phố Hưng Yên 45 km, có vị trí địa lý:
Phía đông giáp xã Lạc Đạo
Phía nam giáp xã Đình Dù
Phía tây giáp xã Tân Quang
Phía bắc giáp thành phố Hà Nội
Thị trấn Như Quỳnh có diện tích tự nhiên là 7,04 km², dân số năm 2022 là 17.518 người, 4.784 hộ, mật độ dân số đạt 2.488 người/km²
Thị trấn Như Quỳnh được chia thành 6 thôn, 01 phố: Ngọc Quỳnh, Ngô Xuyên, Minh Khai, Hành Lạc, Như Quỳnh, và phố Như Quỳnh.
Thị trấn có các di tích lịch sử được xếp hạng cấp quốc gia như: đền Ghênh - đền Ỷ Lan; Lăng đá Từ Vũ, Đình Ất, Đình Giáp và chùa Hòa Lạc (thôn Hành Lạc).