CHUNG TAY CẢI CÁCH THỦ TỤC HÀNH CHÍNH CÔNG KHAI - MINH BẠCH - CHÍNH XÁC - HIỆU QUẢ VĂN MINH - THÂN THIỆN - TRÁCH NHIỆM LÂY NGƯỜI DÂN VÀ DOANH NGHIỆP LÀM TRUNG TÂM ĐỂ PHỤC VỤ; SỰ HÀI LÒNG CỦA NGƯỜI DÂN, DOANH NGHIỆP LÀ THƯỚC ĐO CHẤT LƯỢNG VÀ HIỆU QUẢ PHỤC VỤ CỦA CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC VÀ CƠ QUAN NHÀ NƯỚC
  22/10/2021     |  Lượt xem 73   

Thôi mùa cỏ cháy (Giải Nhất)

Mợ về khi đồng cỏ vào độ khô cháy nhất. Như có một lưỡi lửa khổng lồ vừa liếm qua, cả cánh đồng ngả rạp thành từng lởm, từng lởm màu, chỗ vàng ệch, chỗ đỏ quéo những ngọn cỏ cọc còi xơ xác. (Truyện ngắn của Nguyễn Thị Kim Hòa)

TRUYỆN NGẮN ĐOẠT GIẢI NHẤT

Rồi mợ Ba cũng trở về.

Mợ về khi đồng cỏ vào độ khô cháy nhất. Như có một lưỡi lửa khổng lồ vừa liếm qua, cả cánh đồng ngả rạp thành từng lởm, từng lởm màu, chỗ vàng ệch, chỗ đỏ quéo những ngọn cỏ cọc còi xơ xác.

Đàn cừu bụng hóp rọp ngỡ ngàng mở bừng những cặp mắt dài bu đặc ruồi đón mợ. Cậu Ba sững sờ lao ra khỏi chuồng cừu đón mợ. Cậu quên mất chuồng còn có những bậc thang. Những bậc thang cao quá mà hai mẩu thịt cùn cụt làm chân cậu thì ngắn quá. Vì vậy mà cậu té. Té lăn cù, té chỏng gọng. Chất chạy tới thì cậu đã như con ếch nằm lật ngửa. Hai mẩu thịt thò lò ra dưới hai ống quần chới với, ngúc ngắc tuyệt vọng.

Chất ẵm cậu lên thềm lãn. Mợ Ba vẫn còn đứng nguyên đó. Không lo lắng trong ánh mắt, không xót ra trên gương mặt như những lần cậu té. Mợ chỉ nhìn đứa bé trên tay mình. Đứa bé má núng nính bụ sữa. Đứa bé thiêm thiếp giấc ngủ trong tấm khăn lông trắng mịn như lông cừu. Ngủ mà vành môi bương bướng vẫn nhênh nhếch, cái mũi nhỏ xíu vẫn hênh hếch. Vành môi và cái mũi Chất càng nhìn càng phấp phỏng vì trông quen lắm, rất quen.

Cậu Ba nhương nhướng người lên để nhìn đứa bé. Cơn đau vì cú té vẫn còn hay có cơn đau nào khác nữa mà nụ cười nở trên môi cậu cứ rúm ró, run run.

“Giống… giống… quá!”

“Anh thấy nó giống ai?”

Mợ Ba không thương tiếc xoáy thẳng vào nụ cười cậu một ánh mắt. Ánh mắt làm đôi vai gồng lên của cậu xuội lơ xuống. Cái nhìn đang trên mặt đứa bé của cậu rớt xuống, ghim lút vào trong đất.

Trước Chất, là khốn khổ chật vật của cậu Ba cố nhấc cái nhìn, là xiêu vẹo loạng choạng muốn đổ sụm của cậu trên đôi chân chỉ là hai mẩu thịt của mình. Chất chưa bao giờ ghét mợ Ba. Nhưng giờ thì có. Ghét khủng khiếp.

Mợ đâu cần nhất thiết phải trở về.

*

* *

“Mợ mày là con đĩ xóm Võng!”

Chất đã từng chưa bao giờ ghét mợ Ba, dù cười cợt của những người đàn bà ngoài xóm chợ quất vào tai độc địa còn hơn một cơn bấc lạc mùa. Ở đồng cỏ thì không sợ mùa khô bằng những cơn bấc lạc mùa. Có năm bấc lạc gần nửa bầy cừu đang chạy nhảy mạnh khù bỗng lăn ra xuội móng, hàm cứng ngắc. Kệ ông thú y lóc cóc từ dưới xóm lên tiêm ngày hai ba lượt, những con cừu đã nằm xuống là không cách nào đứng lên được nữa. Đồng cỏ thưa hẳn những tiếng gọi be be, chỉ dày lên mùi khói nướng thịt cùng những tiếng gõ chén, gõ xoong ngật ngừ của cậu Tư và đám bạn nhậu nghe nhức cả óc.

Những cơn bấc lạc từ thì thào của những người đàn bà, Chất đổ hết xuống bánh chiếc xe đạp cà khổ. Vù vù những vòng quay, về đến đồng cỏ độc địa bị cán nát tan hết, chỉ có vẻ mặt làm bộ quạo đeo của mợ Ba bên cửa ngõ: “Đi chơi mà không nón niếc gì hết. Muốn nắng bể đầu, hơ!”. Nét mặt quạo đeo chẳng giữ được lâu vì trước sau gì cũng bị lém lỉnh của Chất làm mềm ra. Và rồi nụ cười bung. Trong vắt, sáng bừng.

Ngày mợ Ba chưa đến đồng cỏ, Chất chưa bao giờ được biết là có cái cười còn ngọt, mềm hơn cả nước.

Cậu Ba thì chắc không biết cười. Ngày nhỏ, Chất có chơi lắc lở, rình rình chộp lấy cậu thọt léc vào dưới hai cánh tay chắc nụi như tay lực sĩ. Nhưng thứ nghe được cũng chỉ là vài ba tiếng khậc khậc như tiếng người ta ho. Khậc khậc mà cũng biến mất nhanh như chớp mắt.

Phải mẹ không mất sớm, Chất đã hỏi có phải ông bà ngoại hồi xưa đã đẻ cậu rớt trong một cái hố buồn. Cái hố đó chắc là sâu hun hút. Liệu có sâu bằng lỗ trũng ở rìa trái đồng cỏ? Lỗ trũng cát lấp bao nhiêu năm nhiêu tháng vẫn không đầy nổi, để bữa nọ rượt bầy cừu ngang qua Chất thấy cậu đang trầm ngâm nhìn xuống đó.

“Nửa khúc mình của cậu nằm dưới này!”

Cậu chỉ nói đúng một câu vậy. Rồi im bặt. Nhưng sửng sốt làm cái lỗ trũng và dáng thờ thẫn buồn rũ của cậu bên miệng lỗ ăn mòn vẹt cả những giấc mơ Chất.

Không như cậu Ba, cậu Tư thì ít khi nào rớt được vô giấc mơ Chất. Những lần hiếm hoi ăn được một góc giấc mơ, lạ là Chất toàn thấy cậu cười. Cái cười cứ ngặt ngà ngặt nghẽo, cười mà như sắp làm cần cổ cao nhòng gãy cụp, rụng xuống. Cười không khác gì những lần không mơ Chất thấy cậu say.

Nếu có thứ gì cũng thành tất yếu như nắng, như cát trên đồng cỏ thì đó là chuyện cậu Tư say. Nói như cậu Ba thì gom hết rượu cậu Tư uống trong năm chắc cũng đủ tưới cho đồng cỏ qua được mấy mùa khô. Chất chưa thấy ai tưới đất bằng rượu. Nhưng cứ hình dung cái cảnh những bụi cỏ tắm rượu lớn lên cũng ngả nghiêng như những bước đi của cậu Tư. Bầy cừu gặm thứ cỏ ấy mắt cũng gườm gườm như mắt cậu Tư. Chất thấy thà cứ để cả cánh đồng khô héo.

Rượu có gì hay đâu mà cậu Tư cứ chìm lỉm dưới những đáy chai. Sáng mở mắt hay trưa đứng bóng thường thấy nhất giữa những lưng cừu trắng nằm nhai nhai cỏ vẫn là cái dáng ngủ sải tay sải chân, áo phanh bụng của cậu bên một cái vỏ chai. Cũng chỉ vỏ chai ấy đêm về lại bên cậu trên cái võng trước nhà đưa cọt kẹt, cọt kẹt. Mùi rượu rớt theo nhịp võng cũng đủ xỉn quắc cần câu tụi muỗi vo ve và hai người còn lại trong nhà.

Nhưng đó chỉ mới là những cơn say khi mùa gió chưa về, những cơn say khi cậu không cười.

Khi những phơ phất bắt đầu dậy lên trên đồng cỏ, khi những chơm chớm xanh sau mùa khô có thể rùng rình, rùng rình chạy thành từng lớp sóng, thì cũng là lúc những cơn say của cậu Tư dạt hẳn ra cánh đồng. Đêm, trong tiếng gió đập phầm phầm lên những mái tôn, tiếng cười ướt nhèm hơi rượu cậu thường chói lói đưa về từ phía ấy. Phía hình như có cái lỗ trũng cát lấp hoài không đầy của cậu Ba.

Cậu Ba thường không ngủ những lúc tiếng cậu Tư cất lên quanh quanh đâu đó gần cái lỗ. Lết đến sát cửa sổ, mắt cậu như muốn xuyên thủng màn đêm ra đồng cỏ. Chất không biết cậu nhìn gì. Cái lỗ trũng hay một bóng người chỉ nghe văng vẳng lại tiếng cười. Mắt nếu thay được đôi chân cậu có chạy ra tóm lấy cậu Tư, quất cho mấy phát vào mông như mẹ vẫn làm với Chất ngày nhỏ vì tội không nghe lời?

“Anh kệ bà tui đi. Đừng có cái gì cũng bắt tui nghe anh!”

Sao mẹ không còn sống để thay cậu Ba bắt cậu Tư phải nghe lời. Cậu cứ cười, cười hoài. Giọng khản đặc, lạc mất hút trong tiếng gió mà vẫn cười. Tiếng cười sạm thêm, khắc khổ thêm gương mặt cậu Ba vì những đêm ngồi chong bên ô cửa trong mùa gió. Tiếng cười xơ xác rộc rạc những vách nhà, hốc hác những mắt cừu trong mùa gió. Gió từ đầu đến cuối mùa nhìn đâu cũng khô rộc, trơ khấc. Gió có về thì đồng cỏ cũng khác nào ở giữa mùa khô.

Mợ Ba là người đã đem về cho khô khốc của đồng cỏ cả một cơn mưa.

Đó là một cơn mưa đột ngột khi Chất theo bầy cừu ra đến gần chân núi để tìm những ngọn cỏ sữa không thể mọc nổi trên cánh đồng. Mưa không báo trước, không rền trời, không chớp nháy, tự nhiên xối tầm tã trong chuỗi be rần rần sung sướng của bầy cừu. Luồng mây đen dài ngoằng chạy đến đâu, mưa chạy theo đến đó.

Đang tuôn chạy cùng bầy cừu về phía luồng mây, Chất bỗng vấp phải một thứ gì đó té lộn cuội. Thứ gì đó là một thân người. Thân người đàn bà không áo, không quần, chỉ một mái tóc dài xấp xõa rớt trên lưng đen nhức. Rớt cùng đất cát, cùng lá cây, cùng chi chít những vết gì đó chỗ tím lịm, chỗ đỏ lét. Cậu Ba nghe tiếng hét, chống roèn roẹt lại lật mặt người đàn bà lên. Mặt tái nhợt, màu da bệt đi như người chết rồi, nhưng Chất vẫn thấy được những nét quen.

Hình như Chất đã gặp chị. Lúc đi ngang cái xóm bên chân núi, hình như Chất có thấy chị ngồi trước một ngôi nhà mái lá đưa võng tòng teng. Cái xóm thật kì lạ. Cứ trước năm bảy ngôi nhà lại là một cái võng tòng teng. Chất hay lẫn lộn gương mặt son phấn của những người đàn bà kẽo kẹt đưa võng, mắt ngong ngóng ra đường. Nhưng không hiểu sao vẫn nhớ chị, dù hình như mới gặp một lần. Chắc vì bữa đó thấy Chất ngang qua, chị ngoắt ngoắt tay:

“Nhỏ. Ăn trứng cá không?”

Bàn tay đã từng ngoắt Chất đó giờ quặt quẹo bên thân người chị. Cái áo ướt mèm nước Chất lột ra đắp lên người chị. Thành ra trong cơn mưa bữa đó, Chất băng đồng cỏ mình trần.

Cậu Ba tròng cổ vào sợi dây của cái phản kéo cỏ, Chất ở phía sau lúc khiêng lúc đẩy. Cái phản trôi chông chênh giữa cỏ, giữa cát, giữa xối xả những dòng mưa. Có điều trên phản không là bao cỏ phồng cao như mọi khi. Trên phản là chị, người đàn bà đã cho Chất mớ trứng cá ngọt lịm. Người đàn bà xuội lơ phần thân người chi chít những vết giờ đã nhìn rõ là những dấu răng cắn, những cào xước của móng tay.

“Đừng lo. Cô ta không chết đâu. Mấy người như cô ta vậy chớ mà sống dai như cỏ!”

Cậu Ba có gặp chị ở xóm Võng lần nào chưa mà chắc nịch như vậy lúc phì phò kéo băng băng cái phản cỏ. Người đàn bà trên phản chắc cũng nghe cậu nói. Nên nằm bẹp trong góc nhà bữa trước, bữa sau đã thấy chị lò dò ra chỗ chuồng cừu. Nụ cười nở giữa khuôn mặt má sưng húp, mắt hít rịt mà vẫn sáng bừng.

Minh họa: Nguyễn Anh Vũ

“Chỗ này coi bộ ở được héng, em trai?”

Không đợi Chất trả lời, chị te te đi thẳng ra cái giếng sau nhà.

Chất và cậu Ba phải chóc ngóc ngồi nhìn đồng cỏ cả buổi trời, để không quấy rầy chị ta và cái giếng. Đồng cỏ chiều chỉ tai tái một màu chán ngắt mà cả Chất, cả cậu Ba đều chăm chú về phía đó như vừa phát hiện được điều gì lí thú lắm. Với Chất, điều lí thú đó là tiếng nước chảy, tiếng gàu khua rổn rảng dội lên từ cái giếng mà lẽ ra giờ này đã buồn thiu, lặng ngắt. Tiếng nước mà lại ngọt lịm trên đầu lưỡi như mùi trứng cá. Không biết điều lí thú của cậu Ba là gì. Chất nhìn cậu, thấy bên khóe miệng nhênh nhếch giãn ra một thứ gì đó như cái cười thú vị, vui vui. Cậu Ba vậy là cũng biết cười. Phát hiện bất ngờ làm Chất đâm ngẩn người, không nghe cả tiếng dép lẹp xẹp nước đi tới sau lưng hai cậu cháu.

“Sao không mở đèn lên? Nhà cửa gì mà để buồn như cái chùa vậy nè?”

Chất quay phắt về phía tiếng nói. Người sau lưng Chất là cả một ngọn đèn.

Ngọn đèn đó, từ khi xuất hiện giữa căn nhà bốn bề thông thốc gió đã làm ấm những vầng khói toả tròn từ mái bếp, ấm những mâm cơm xôn xao tiếng nói, tiếng cười.

Bầy cừu đã nhảy nhao về phía mợ lúc ra đồng. Cỏ bỗng nảy chồi lấm tấm xanh trên những vạt cát lấp xấp miệng cái lỗ trũng rìa trái cánh đồng. Từ ngày tứa lên những mầm cỏ, tiếng cười cậu Tư không vẳng về từ chỗ ấy nữa, dù vẫn còn mùa gió. Cậu mang cơn say ở biền biệt đâu đó bên ngoài đồng cỏ. Thảng hoặc cơn say về, lượn lờ quanh quất ngó khắp nhà, hỏi không không:

“Ủa. Chưa đi hả?”

Tóc cậu đã cắt cao hơn. Áo cũng nhét hết vào lưng quần cố dém dém che bụng, dù không hột nút nào còn nguyên lành. Mợ Ba đi qua, không nhìn cái chai cậu vội giấu đi sau lưng mà nhìn những hột nút áo.

“Cởi ra liền cho tui. Ăn mặc gì kì vậy trời!”

Cậu Tư thì nhìn những ngón tay mợ thoăn thoắt kết lại nút cho cái áo, nhìn vành môi mợ cong cong cắn chỉ. Ánh nhìn làm cậu Ba quay đụng nhằm mớ dây loằng ngoằng treo mấy cái thau đựng muối hột cho cừu xơ lưỡi. Phải vừa mợ Ba vừa Chất mới gỡ được cậu ra khỏi mòng mòng quay tới quay lui giữa lùng nhùng vướng víu.

Cậu Tư không gỡ dây. Nhưng từ sau bữa đó, dù là thảng hoặc Chất cũng không hề thấy bóng cậu ở nhà. Hay là bữa đứng nhìn cậu Ba được gỡ ra khỏi lằng nhằng dây nhợ đó, cậu đã quyết định phải cắt một sợi dây?

Mợ Ba mỗi lần ra xóm đi chợ với Chất lại nhóng đầu nhìn: “Có khi nào mình gặp ông cậu đẹp trai của em ở đây không ta?”. Một bữa ngó ngược ngó xuôi thế nào ánh nhìn mợ lại rớt vào đám đàn ông đang trùng trục đang dỡ hàng bên một chiếc xe.

Một người đàn ông chận tay ngang đường mợ, mắt hiếng lên nhăn nhở.

“Bữa rày kiếm được thằng nào bao mà mất biệt vậy, em?”

“Tránh ra!”

Chất nghe giọng mợ vụt gằn lên.

Người đàn ông khùng khục cười trước gằn lên của mợ. Quay ra sau, gã khẽ hất đầu.

Chưa kịp hiểu chuyện gì Chất đã thấy mợ vụt chạy ào ngay sau cái hất đầu. Một gương mặt tái nhợt y hệt hôm được lật lên trong cơn mưa dưới chân núi ào qua. Đuổi theo sát nút mợ không thể nào tin được là rầm rập, là hăm hở những gương mặt đàn ông.

Chất không biết làm gì hơn với đôi chân tự nhiên rã rời, với những bước chạy không hiểu sao liêu xiêu run rẩy. Gã đàn ông chạy đầu đã bắt được mợ. Những khoảng da chằng chịt vết răng cắn, vết móng tay cào, xước. Những khoảng da mưa không rửa được những giày vò, chà đạp của con người với chính con người. Tất cả đang nhảy múa trước mắt Chất. Chúng lại sắp tái diễn trước mắt Chất. Người đàn ông đã đè ngửa được mợ ra đất. Những cánh tay như gọng kiềm khác cũng ghìm miệng Chất, mắt Chất xuống tanh tanh mùi máu mình lẫn đất.

Đúng lúc đó nổ lên một tiếng thét. Tiếng thét xuất phát từ đồng cỏ không biết khi nào đã ở trước đoàn người. Mợ Ba xô người đàn ông trên mình lật nhào, chạy ra sau tiếng thét. Tiếng thét bừng bừng trong cơn giận, cầm cây cào cỏ răng lởm chởm, nhọn hơn cả những móng tay.

“Không được đụng vô cổ! Cổ là vợ tôi!”

Như cả một tiếng sấm nổ ùng trên bầu trời đồng cỏ giữa mùa khô. Đám đàn ông rũ ra cười, những tiếng cười nhờn nhợn, khả ố trong khoái trá, kinh ngạc.

Gã đàn ông đã giơ tay chặn mợ trong chợ thì không cười. Vành môi gã chỉ khẽ cong lên, đủ cho một cái nhếch mép.

“Ờ. Vậy lo mà trả nợ nó thiếu bà chủ tụi này đi nhen. Không là ngoài khoản đi khách hội đồng như bữa trước còn khuyến mãi thêm thứ này…”

Tay gã đàn ông nghiêng miệng một cái chai lõng bõng nước. Những giọt nước cháy lèo xèo đổ gục những thân cỏ, lèo xèo những khoảng mốc trắng xù lên trên đất. Những gã đàn ông đã đi lâu rồi mà mợ Ba vẫn còn rúm ró người trên đồng cỏ. Như một cọng cỏ trước gió dữ, mợ run lên từng chặp, từng chặp một.

Cậu Ba vỗ vỗ nhẹ lên tấm lưng run của mợ. Vòng qua một cánh tay, cậu ôm lấy mợ. Nửa thân người lành lặn còn lại của cậu bọc lấy mợ, che cho mợ . Vẫn mọp người trong vòng tay cậu, lưng mợ giãn dần, giãn dần những cơn run.

Sau lần cậu Ba đổi nửa bầy cừu cho người đàn bà phốp pháp trên xóm Võng thì mợ không cần phải nơm nớp sợ bị bắt về nơi đó nữa. Mợ hoàn toàn thuộc về đồng cỏ. Mợ thành mợ Ba.

Đêm đám cưới mợ cả đồng cỏ say khướt. Cỏ say, gió say. Bầy cừu cũng như say rần rật nhảy chồm ôm lưng nhau muốn gãy cả ván chuồng.

Người vẫn uống say triền miên trên đồng cỏ đột ngột trở về đêm ấy thì lại tỉnh. Hình như cậu có vô nhà, có lần chần gì đó bên vách ngang buồng cậu mợ Ba. Ngang qua chỗ Chất nằm co quắp trên thềm lãn, hình như cậu còn nói nhỏ: “Cậu đi à!”. Váng vất trong cơn say ngầy ngật cùng đồng cỏ, Chất cười khì trong mơ: Lâu rồi cậu có bao giờ ở nhà đâu mà kêu sẽ ra đi? Mãi đến lúc mợ Ba he hé cánh cửa bên trong nghe rõ tiếng ngáy đều đều của cậu Ba, ra ngồi gởi một cái nhìn hun hút “Đêm qua cậu Tư về hả Chất?” thì Chất mới sực nhớ ra rằng có một người mà cả ngôi nhà, cả Chất và đồng cỏ đã xem việc vắng mặt như là một sự tất nhiên rồi.

Có những sự tất nhiên lâu ngày lại trở thành khắc khoải, day dứt. Mùa gió đến rồi mùa gió lại đi. Đến gió cũng quên dần một tiếng cười chói lói trong mùa gió. Nhưng cậu Ba thì lại nhớ. Những mùa gió chất chồng trên đồng cỏ hình như trong cậu cũng có một thứ gì đó chồng chất, đầy dần.

Thứ đó có gắn liền với mái tóc xơ xác, mỏng dần đi của mợ Ba qua những mùa gió? Có gắn liền với dáng ngồi lặng trên đồng cỏ hàng giờ của mợ để nhìn những con cừu con rúc rúc dưới vú mẹ bú say sưa? Những con cừu bé tí ngày mợ mới về đồng cỏ đều đã là mẹ không biết bao nhiêu lượt. Những cái mõm cáu kỉnh, mệt mỏi lâu lâu lại hất hất xua đám con quậy tưng đang tranh nhau những cái vú dài thõng thượt.

Một lần Chất nhìn thấy mợ Ba ngắt một cọng cỏ sữa bẻ đôi xoa xoa lên ngực áo mình. Một chấm tròn trắng đục đọng trên ngực áo mợ như giọt sữa. Mợ cứ xoa. Những giọt sữa loang dần, loang dần, thấm ướt cả bầu ngực. Chất quay ngoắt đi không dám nhìn nữa. Chỉ ước có một đứa bé nảy lên từ cánh đồng như mầm cỏ để ôm giùm lấy ngực áo ướt đầm của mợ.

“Mợ biết không, con luôn ước đồng cỏ này có một đứa bé!”

Phải chi Chất đừng trót ngây ngô để chạy khỏi miệng mình câu ước. Vì ánh mắt mợ Ba đang miên man trôi giữa những bóng cừu bữa ấy bỗng như bị phạt ngang, đứt lìa, rụng xuống.

Chắc sợ Chất thấy ánh mắt, cúi nhanh, mợ giấu ánh nhìn vào vạt cỏ.

“Cỏ khô hết rồi con ha!”

Chất nhìn vạt cỏ. Là ánh mắt mợ Ba hay điều gì khiến cũng màu xanh óng đổ đầy trên ngọn ấy mà cả dãy cỏ không biết khi nào gốc đã vàng vọt đi, lỗ chỗ như đeo chằng chịt vết thương. Những vết thương làm không gốc cỏ nào có thể tách chồi.

Cậu Ba không biết câu chuyện bên vạt cỏ.

Càng ngày cậu càng thừ người nhiều hơn trước cái lỗ trũng cát ở rìa trái cánh đồng. Lỗ trũng một dạo tưởng cỏ phủ xanh rì rồi, giờ nhìn lại vẫn còn nguyên dưới đáy một vạt tròn trắng nhách.

Càng ngày cậu càng làm như vô tình nhắc đến cậu Tư. Cậu Tư tội lắm, nghe đâu giờ một thân một mình đang ở xóm chài. Cậu nghe đâu giờ hết ăn nhậu rồi, còn làm trong xưởng đóng ghe đóng thuyền gì lớn lắm. Vậy mà không hiểu sao ai gặp cũng kêu cậu ốm nhách, cái mặt thì buồn buồn.

Mợ Ba lầm lụi, không nói một câu nào trước những “nghe đâu” của cậu. Mợ cứ im lặng mãi cho đến bữa cậu Ba lê lệt sệt xuống bếp, đập văng xuống bếp lò cái siêu thuốc sinh con mợ hốt về từ xóm Chăm bên kia núi.

Xác thuốc bắn bỏng tay cậu. Nước thuốc đổ muốn lột cả da hai mẩu thịt cùn cụt dưới chân cậu. Mợ Ba sấp ngửa chạy vào từ chuồng cừu, xé toạc ống quần đùi, nước mắt rớt bồm bộp lên thớ da nhăn nheo suýt nữa dính bệt vào vải quần. Thớ da gần như tuột xuống khỏi đoạn dưới mẩu thịt đỏ ối lên như luộc. Nước mắt mợ rớt lên, lên nữa. Chất bàng hoàng nhìn nước mắt rớt lên nơi lẽ ra là khối sinh lực cuồn cuộn của đàn ông. Nơi đó chỉ có một tạo vật teo tóp, nhỏ bé nằm rũ xuống. Tạo vật đáng lẽ là phải thuộc về cơ thể một đứa trẻ lên mười.

Ra nằm dưới lỗ cát trũng bên rìa trái cánh đồng không chỉ có nửa khúc mình cậu, không chỉ có những bước đi đã từng bằng đôi chân của cậu. Trái nổ dưới lỗ cát. Tàn tích từ một cuộc chiến tranh xa lắc nằm phục dưới lỗ cát. Sao nó không vĩnh viễn ngủ yên, câm lặng cùng quá khứ? Tiếc nuối gì mà kéo lê tàn tích đau thương của nó lên một đời người.

Giờ mới hiểu vì sao mẹ không bao giờ cho Chất theo khi đốt cỏ ngoài rìa đồng. Trái nổ xoáy lỗ trên cát. Trái nổ xoáy lỗ vào cuộc đời cậu Ba, đóng đinh bước đi cậu vào hai mẩu thịt, đóng đinh phần đàn ông trong cậu vào hình hài mười tuổi. Đóng đinh cả tiếng cười cậu Tư luôn vào mùa gió. Trái nổ đó đã bùng lên dưới ngọn lửa đốt cỏ cứ tạt ngang vì gió một sâm sẫm chiều. Sâm sẫm chiều có đứa anh kêu thằng em trai đang gà gật bên cạnh về đi, để một mình mình canh đám đốt cỏ được rồi.

Những kí ức vùi sâu dưới lòng cát cuối cùng cũng được cậu Ba khơi lên trước Chất trong buổi chiều hai cậu cháu lại ngồi chóc ngóc trên bậc thềm, như bữa đầu mợ Ba tắm trên đồng cỏ.

Cỏ cũng tai tái, cũng héo hắt trộn lẫn giữa màu cát như hôm đầu mợ Ba tới đồng cỏ. Mợ Ba rốt cuộc cũng giống như cơn mưa luồn mây đã đem mợ tới. Tưới tắm, mát rượi đấy. Rồi tan đấy. Để đọng bao hẫng hụt, tiếc nuối. Để những hanh hao, trơ khấc lại rộc rạc, cằn cỗi khi mưa tan.

“Con đừng trách mợ. Là cậu kêu mợ đi. Là cậu có lỗi. Cậu khốn nạn. Biết mình không đem lại được hạnh phúc cho người ta mà cứ cố giành lấy, cố giữ. Biết mình báo hại người ta mà không sớm để người ta đi, không sớm giải thoát cho người ta. Ai mà lại khốn nạn, ích kỉ như cậu. Con thấy phải không?”

Trời hỡi, cậu Ba. Cậu có ích kỉ gì đâu khi cũng muốn có được một hạnh phúc, cũng muốn được chăm bẵm, yêu thương một người đàn bà như bất cứ người đàn ông bình thường nào. Cậu báo hại gì đâu cuộc đời mợ khi đã dang hết phần cơ thể dù không còn nguyên vẹn của mình mà bảo bọc, chở che cho mợ trước cay nghiệt cuộc đời. Đến phút cuối cùng vì khát khao đàn bà của mợ, dẫu bị phanh xẻ trong từng mảnh, từng mảnh nỗi đau cậu cũng đã xua mợ ra, đẩy mợ đến nơi có thể tìm thấy hạnh phúc. Cậu giải thoát mợ rồi ai giải thoát cậu? Ai cứu cậu ra khỏi những buổi chiều đông cứng gió, đông cứng kí ức trước xác xơ, mờ mịt của đồng cỏ như thế này, cậu Ba ơi?

Nước mắt Chất trào ra, chảy tràn xuống má. Không muốn cho cậu thấy, Chất úp mặt xuống cánh tay vòng trên gối.

“Chất. Ngủ gục hả? Chắc giờ này mợ con xuống tới xóm chài rồi đó ha. Cậu Tư con biết còn ở đó không hay lại đi mất nữa rồi. Cái thằng… Tự nhiên lại ra khóc trước mả mẹ con là biết vậy đừng nghe lời cậu về bữa đó. Nó ở lại với cậu thì sao? Ở lại không khéo rồi nhà có thêm ông cụt nữa, chớ được gì…”

Cậu đã dứt khoát trong ánh mắt lắm mà cậu Ba. Cậu đã nhẹ bẫng “Em đi đi. Đi mà tìm người em thương. Em cần phải được hạnh phúc. Em trai tui cũng cần được hạnh phúc”. Cậu còn không thèm mở cửa buồng nữa mà. Để chỉ mình Chất đối diện với gương mặt đầm đìa nước mắt của mợ Ba, với dáng chênh vênh mất hút dần trên đồng cỏ. Phải chi mẹ còn sống, mẹ sẽ không chỉ câm lặng như Chất, không dám cả cục cựa như Chất. Mẹ sẽ lại choàng tay nỗi đau của cậu Ba, như cậu đã từng choàng tay qua đau đớn của một người. Có một chỗ dựa, biết đâu ngậm ngùi trong lời cậu sẽ vơi đi, chao chát trong ánh mắt cậu cũng tan đi.

Nhưng Chất không phải mẹ. Chất chỉ là một đứa con trai vụng về, ngu ngốc. Đứa con trai ngồi trước một nỗi đau chỉ biết bất lực giấu những giọt nước mắt rớt xuống thềm, lạnh toát.

*

* *

“Chất độ này ít nói hẳn nhen. Cỡ tuổi Chất là phải vui vẻ, phải cười nhiều, nói nhiều lên chớ. Để mợ nhắc hoài…”

Chất vẫn không ngước lên khỏi cái thang chuồng dù ngay bên cạnh vang lên giọng lo lắng, tranh trách của mợ Ba.

Thang chuồng cần phải làm cho hết dốc. Cậu Ba rồi sẽ lại ráng trèo lên nơi cao nhất đồng cỏ này, nói “Cậu cho cừu ăn nhen, Chất!” nhưng ánh mắt thì lại rớt ra ngoài những chấn song chuồng. Mắt ngong ngóng điều gì đâu phải Chất không hay không biết. Chỉ là Chất thấy mình không cần phải nói. Nói câu nào cũng sợ chạm, sợ bục vỡ một vết thương thì nói làm gì. Chất cũng không muốn cười nữa. Cười sao cũng như vô duyên trước những nỗi buồn thì cười để làm gì.

Những lái cừu ghé đồng cỏ cứ nói Chất sao càng ngày càng giống cậu Ba, thấy người mà không thấy tiếng, cứ như một cái bóng. Đứa con gái mắt hiền như mắt cừu đi cùng ông lái đến vừa rồi đã còn nhìn Chất rưng rức khóc. “Anh đi đi. Đi với cha con tui đi. Chỗ này rồi cũng làm anh thành cục đá như cậu anh cho coi!”

Chất nghe nhói với mỗi giọt nước mắt nhưng vẫn nhất định khoác lên mặt vẻ dửng dưng, lạnh toát. Cậu Ba còn lại ai bên cạnh nữa đâu ngoài Chất. Cả người đang trở về đây, đang nựng nịu đứa bé trên tay ngay cạnh Chất đây, mợ rồi cũng sẽ ra đi.

Về chỉ để khoe khoang hạnh phúc, để cứa thêm vào một vết thương thì can cớ gì mợ cứ phải quay về?

Cả cậu Tư nữa. Cậu không cần phải quay về. Để gần tàn ngày rồi mà nắng vẫn cào trên đồng cỏ như thiêu như đốt. Để Chất phải đỡ giùm qua bậc cửa một thân người không cách nào nhấc lên được. Bậc cửa có cao như bậc thang chuồng cừu đâu. Mà cậu Ba loay hoay, xoay trở chật vật mãi bên nó. Cậu vật lộn với nó hay đang vật lộn với chính mình? Một cuộc đánh vật khốn khổ. Để cuối cùng, câu nói cố thản nhiên mà vẫn nghe méo mó, nghe như muốn hụt hơi rớt trước những bước chân cậu Tư bước lên thềm là: “Chú… về đón… mẹ con cổ phải không?”

Chất đã thấy một đôi chân như chôn luôn xuống đất. Chất đã thấy một gương mặt còn nguyên nét vui mừng vụt tái đi, tím ngắt.

“Anh vẫn định không cho tui lấp cái lỗ chết tiệt trong tui hả, anh Ba?”

Rồi như không chịu được trước đờ ra ngơ ngác của cậu Ba, tím ngắt trên gương mặt thoắt cái thành đỏ rừ lên, trong cơn giận bừng bừng.

“Ông… ông toàn tưởng là ông đúng. Ông tưởng vậy là ông cao thượng, ông tốt. Tui nói thiệt… tui chỉ thấy ông ác. Ông ác với ông, với chỉ, với tui nữa. Ông có biết chị Ba cũng giống ông, cũng không thể có con, không thể sinh nở được không? Đứa bé đó… con, con ông đó, tui đi trại mồ côi xin về cho ông rồi. Vợ, tui cũng trả về lại cho ông rồi. Tuần sau tui hỏi vợ, ông thích đi thì đi giùm với tui qua bên nhà gái. Không thì thôi!”

Cậu Tư làm nguyên một tràng. Rồi đùng đùng ngoắt người, cậu đi thẳng.

Cậu Ba ngớ ra, hết nhìn qua Chất rồi nhìn qua dáng người đang phăm phăm đi lại ra cửa. Đột ngột, như sực tỉnh cậu chống xoèn xoẹt xuống bậc thềm, lao theo.

“Tư… Tư… nghe anh nói…”

Chất không chạy theo cậu. Chất muốn nhìn lại khuôn mặt đứa bé. Trên bậc thềm, trong tiếng ru ầu ơ ngọt lịm chợt đưa lên từ sau nhà, Chất ngóng mắt theo hai dáng người một sấp đi, một hối hả đuổi. Ngóng mãi cho đến khi hai cái bóng một dài một ngắn nhập hẳn vào nhau giữa màu cỏ mươn mướt trắng những bóng cừu.

Lứa cừu mới này… liệu con nhỏ có cặp mắt hiền như mắt cừu có còn theo ba ghé đồng cỏ nữa không?

NGUYỄN THỊ KIM HÒA

Nguồn: vannghequandoi.com.vn

 
Liên kết
Liên kết web
Video Clip
Thời tiết
HƯNG YÊN WEATHER
Lượt Truy Cập
Số lượt truy cập : 96374