CHUNG TAY CẢI CÁCH THỦ TỤC HÀNH CHÍNH CÔNG KHAI - MINH BẠCH - CHÍNH XÁC - HIỆU QUẢ VĂN MINH - THÂN THIỆN - TRÁCH NHIỆM LÂY NGƯỜI DÂN VÀ DOANH NGHIỆP LÀM TRUNG TÂM ĐỂ PHỤC VỤ; SỰ HÀI LÒNG CỦA NGƯỜI DÂN, DOANH NGHIỆP LÀ THƯỚC ĐO CHẤT LƯỢNG VÀ HIỆU QUẢ PHỤC VỤ CỦA CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC VÀ CƠ QUAN NHÀ NƯỚC
  22/10/2021     |  Lượt xem 61   

Nâng cao chất lượng hoạt động nghiên cứu thực tế của học viên các lớp trung cấp LLCT - HC tại trường Chính trị Nguyễn Văn Linh tỉnh Hưng Yên

Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nói: cán bộ "là những người đem chính sách của Đảng, của Chính phủ giải thích cho dân chúng hiểu rõ và thi hành. Đồng thời đem tình hình của dân chúng báo cáo cho Đảng, cho Chính phủ hiểu rõ, để đặt ra chính sách cho đúng. Tất cả các đảng viên phải cố gắng học tập, coi việc học tập lý luận và chính trị là một nhiệm vụ quan trọng của mình" (Sđd, tập 5, trang 54-55)

Tuy nhiên, theo Bác "Học phải đi đôi với hành", "Lý luận phải gắn với thực tiễn". Người nhấn mạnh: “Thống nhất giữa lý luận và thực tiễn là một nguyên tắc căn bản của chủ nghĩa Mác-Lênin. Thực tiễn không có lý luận hướng dẫn thì thành thực tiễn mù quáng. Lý luận mà không có liên hệ với thực tiễn là lý luận suông” (Hồ Chí Minh, 1995, tập 8, tr. 496). Người khẳng định, “Lý luận cũng như cái tên (hoặc viên đạn). Thực hành cũng như cái đích để bắn. Có tên mà không bắn, hoặc bắn lung tung, cũng như không có tên” (Hồ Chí Minh, 1995, tập 5, tr. 235). Như vậy cũng có nghĩa là lý luận suông, lý luận sách vở thuần túy. “Lý luận cốt để áp dụng vào công việc thực tế. Lý luận mà không áp dụng vào công việc thực tế là lý luận suông. Dù xem được hàng ngàn, hàng vạn quyển lý luận, nếu không biết đem ra thực hành, thì khác nào một cái hòm đựng sách” (Hồ Chí Minh, 1995, tập 5 tr. 234).

Như vậy, thống nhất giữa lý luận và thực tiễn được Hồ Chí Minh hiểu trên tinh thần biện chứng: Thực tiễn cần tới lý luận soi đường, dẫn dắt, chỉ đạo, hướng dẫn, định hướng để không mắc phải bệnh kinh nghiệm, còn lý luận phải dựa trên cơ sở thực tiễn, phản ánh thực tiễn và phải luôn liên hệ với thực tiễn, nếu không sẽ mắc phải bệnh giáo điều. Nghĩa là thực tiễn, lý luận cần đến nhau, nương tựa vào nhau, hậu thuẫn, bổ sung cho nhau.

Nghiên cứu thực tế là một nội dung trong chương trình đào tạo trung cấp Lý luận chính trị - hành chính. Nội dung này nhằm đảm bảo thực hiện tốt phương châm “gắn lý luận với thực tiễn”, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo trung cấp lý luận chính trị - hành chính. Năm 2019, Trường Chính trị Nguyễn Văn Linh đã và đang đào tạo 26 lớp trung cấp lý luận chính trị - hành chính với 1.895 học viên (trong đó, có 12 lớp của năm 2018 chuyển sang với 831 học viên; khai giảng mới 14 lớp với 1.064 học viên). Trong 26 lớp, Nhà trường đã tổ chức cho 14 lớp đi nghiên cứu thực tế trong và ngoài tỉnh. Nhìn chung các lớp đi nghiên cứu thực tế đã được Nhà trường tổ chức rất bài bản, khoa học, chặt chẽ, hiệu quả, đúng quy định. Học viên đánh giá rất cao chất lượng các chương trình Nhà trường tổ chức cho học viên đi nghiên cứu thực tế. Cụ thể: các chủ đề nghiên cứu thực tế sát với nội dung chương trình học tập. Học viên đi nghiên cứu được trực tiếp nắm bắt, tiếp cận với các vấn đề, tình huống phát sinh tại các đơn vị, địa phương, cơ sở. Trực tiếp nắm bắt các kỹ năng, kinh nghiệm xử lý tình huống, trực tiếp nghiên cứu, tham quan các mô hình phát triển kinh tế điển hình, hoặc những khó khăn, bất cập đang diễn ra tại đơn vị, địa phương, cơ sở. Các chuyến đi nghiên cứu thực tế diễn ra an toàn, vui vẻ, hiệu quả, đảm bảo gắn lý luận với thực tiễn, học đi đôi với hành.

Để nâng cao chất lượng hoạt động nghiên cứu thực tế của học viên các lớp trung cấp lý luận chính trị - hành chính. Tôi mạnh dạn đưa ra một số giải pháp sau:

1- Nhà nước cần đầu tư một khoản ngân sách phù hợp chi cho công tác nghiên cứu thực tế của học viên các lớp trung cấp lý luận chính trị - hành chính. Tỉnh, các cơ quan, đơn vị có cán bộ tham gia các lớp đào tạo trung cấp lý luận chính trị - hành chính cũng nên có sự hỗ trợ kinh phí cho công tác này đối với học viên khi cơ sở đào tạo đề nghị phối hợp quan tâm.

2 - Bố trí nội dung và số tiết nghiên cứu thực tế thực sự phù hợp với chương trình các lớp đào tạo. Tránh trường hợp chương trình nặng về lý luận mà thiếu thực tiễn.

3 - Lựa chọn những địa điểm, đơn vị, địa phương đến nghiên cứu thực tế thực sự sát hợp với vấn đề, nội dung đào tạo, bồi dưỡng, không nhất thiết phải đi nước ngoài, đi các tỉnh xa, mà có thể ngay trong tỉnh, hoặc các tỉnh lân cận trong khu vực cũng có thể rất thiết thực, rất hữu ích, rất phù hợp với nội dung, vấn đề nghiên cứu.

4 - Mỗi học viên cần xác định ý nghĩa của công tác nghiên cứu thực tế đối với các lớp trung cấp lý luận chính trị - hành chính là rất quan trọng, nó chính là nguồn bổ trợ những vấn đề, những nội dung thực tế, những tình huống đang phát sinh, xảy ra tại đơn vị, địa phương, những kinh nghiệm thực tiễn quý báu mà trên sách vở không thể có được. Chính vì vậy, mỗi học viên cần chủ động, khoa học, hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu thực tế của lớp đặt ra.

5- Cần có sự nhìn nhận, chỉ đạo, thực hiện, đánh giá về lĩnh vực công tác nghiên cứu thực tế đối với các lớp trung cấp lý luận chính trị - hành chính thật sự nghiêm túc, khoa học để khẳng định hiệu quả, khẳng định nguyên tắc thống nhất thực tiễn - lý luận, lý luận - thực tiễn luôn hòa quyện, thống nhất với nhau, đòi hỏi nhau, cần đến nhau, tạo tiền đề cho nhau phát triển.

Liên kết
Liên kết web
Video Clip
Thời tiết
HƯNG YÊN WEATHER
Lượt Truy Cập
Số lượt truy cập : 98178